Trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã
Mấy lần lỗi hẹn vì đường lên vùng cao bị mưa lũ chia cắt, rồi những đợt công tác đột xuất, cuối cùng Nghếu cũng sắp xếp để tôi gặp riêng anh tại nhà. Gần 8 năm trước, Lê Văn Nghếu (tên khác là Pê t’ru Nghếu, sinh năm 1979) là một trong 12 trí thức trẻ đầu tiên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế được bố trí thí điểm về làm phó chủ tịch xã biên giới miền núi khó khăn, theo chủ trương của Thường vụ Huyện ủy A Lưới. Quê xã Bắc Sơn, trước khi về Hồng Trung công tác, Nghếu là kiểm lâm viên.
Hồi đó, nhận tin Nghếu thôi việc trên huyện, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Khi không, đang làm ở huyện, đúng chuyên môn đào tạo, được đi đây đó, lại đột nhiên về công tác gò bó tại một xã nghèo. Anh gạt đi mọi lời bàn tán và không ngần ngại hưởng ứng chủ trương tăng cường nguồn nhân lực của huyện.
Mọi thứ quá mới mẻ, không nằm trong sách vở nhà trường nên anh vừa làm lãnh đạo xã lại phải học cách quản lý điều hành của những người đi trước, rồi cách tập hợp đoàn kết từ các già làng trưởng bản. Có gì bí, anh xin trao đổi thẳng với họ, yêu cầu được giúp đỡ. Thời điểm Nghếu đảm nhận chức Phó chủ tịch UBND xã Hồng Trung, cũng là lúc ở A Lưới triển khai chương trình xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số (Chương trình 134). Đây được xem là thách thức lớn đầu tiên đối với lứa trí thức trẻ mới ra trường được bố trí làm lãnh đạo xã như anh. Bởi, liên quan Chương trình 134, sau này đã có một số cán bộ trên địa bàn huyện dính phải vòng lao lý, do biển thủ công quỹ xóa nhà tạm. “Chuyện quản lý tiền bạc chưa nói, mà ngay việc vận động dân ủng hộ Chương trình 134 cũng không hề đơn giản. Có nhiều trường hợp cho rằng tiền hỗ trợ xóa nhà tạm ít nên gây khó khăn, mình người ngoài xã, vận động bà con không hề dễ. Lo nhất là đồng vốn hỗ trợ làm nhà để lâu thì bị trượt giá. Mình tìm mọi cách vận động, tranh thủ giúp đỡ từ già làng và các vị lãnh đạo khác trong xã. Cuối cùng, chương trình dự án đâu cũng vào đấy”, Nghếu kể. Lần đó, có gia đình chây ỳ triển khai xóa nhà tạm, đồng vốn hỗ trợ rớt giá, Nghếu tự nguyện trích luôn lương tháng để ủng hộ bà con mua thêm vật liệu dựng nhà.
Giữ gia tài văn hóa Pakôh
Suốt buổi sáng ngồi với Nghếu bên những trăn trở công việc, anh đau đáu chuyện bảo tồn các giá trị văn hóa của người Pakôh có nguy cơ mai một. “Về cơ sở mình thấy bà con còn lưu giữ nhiều nét văn hóa hay lắm, nhưng cũng có những thứ dường như đã biến mất. Từ đó mình nảy ý định tự tìm hiểu, sưu tầm để giữ lại cho đồng bào, dù nó không thuộc chuyên môn. Có gì chưa rõ, mình nhờ già làng và các anh chị ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện giúp đỡ”, Nghếu tâm sự.
Anh dành toàn bộ gian trên ngôi nhà sàn để trưng bày các hiện vật văn hóa người vùng cao, với đa dạng các chủng loại hiện vật gia dụng, đồ dùng cá nhân, ngư cụ, nông cụ, nhạc cụ, khí cụ… Sau hơn 3 năm tự mày mò, Nghếu đã nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn được hàng trăm hiện vật văn hóa và chuyện kể vùng cao A Lưới. Hiện vật sưu tầm được chủ yếu bằng tiền tích cóp tiết kiệm từ chi tiêu lương tháng của đôi vợ chồng trẻ. Các hiện vật được anh hồ sơ hóa thời gian, địa điểm sưu tầm, đặc điểm, chức năng sử dụng, chất liệu, thời lượng và cách chế tác. Nghếu còn cất công theo già làng trong vùng học cách chế tác, sử dụng các công cụ, nhạc cụ truyền thống có nguy cơ mai một. Anh kể: “Có những loại công cụ phải mất nửa năm kỳ công tuyển lựa nguyên liệu, xử lý và chế tác mới thành phẩm, như cái tê-lết đi rừng (bao đeo bằng mây) của đàn ông Pakôh. Loại này, giờ đồng bào ít đan lát lắm, vì mất nhiều thời gian”.
Tôi ấn tượng trước cái pardưl dùng để xua đuổi chim chuột phá hoại nương rẫy. Nếu không được Nghếu thuyết minh, nhiều người nhầm tưởng đây chỉ là gốc tre khô hình thù kỳ quái còn nguyên bộ rễ tua tủa như lông nhím. Hay chiếc bẫy chuột làm bằng ống tre, thân tre, dây mây, giờ rất hiếm gặp ở vùng cao. Trong gian trưng bày của anh không thể thiếu vắng chiếc đàn ta-lưr, trống acưr, chiêng đồng tar’le, khên (khèn), cung nỏ, dao rựa, mác sắt, gùi đi rừng... Quý nhất đối với Nghếu là bộ sưu tập mã não thể hiện uy quyền người phụ nữ vùng cao xưa, có tuổi đời cả trăm năm. Rồi chiếc rìu đá, rựa đá được cho là xuất xứ từ thời đồ đá. Nghếu vẫn rất tiếc nuối khi nhắc chuyện không kịp sưu tầm di vật hóa thạch có in dấu chân người, giờ biến mất khỏi địa bàn A Lưới. Nghe đâu, dấu chân hóa thạch này từng gắn với truyền thuyết đôi chân vạn dặm vượt đại ngàn mỗi ngày của đồng bào vùng cao thuở hồng hoang.
Những thứ không còn ở A Lưới, anh cất công sang các tỉnh lân cận, hay cộng đồng người Pakôh tận đất Lào vào dịp nghỉ phép để bỏ tiền túi sưu tầm về. Năm trước qua Lào tìm tòi sưu tầm bộ dụng cụ ủ ấm xôi (cái tứp) bằng tre đan từng một thời có mặt tại A Lưới, trên đường về, Nghếu suýt bỏ mạng vì xe tải chở gỗ chạy đằng trước bị trôi dốc chèn nát chiếc xe máy đi phía sau của anh. “Sắp tới, khi Nhà sinh hoạt cộng đồng các dân tộc A Lưới xây xong, mình sẽ đem hiện vật sưu tầm được đến đó trưng bày và hiến tặng lại một phần cho huyện”, Nghếu cho biết.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới - nhận xét: “Việc làm của anh Nghếu khiến chúng tôi tự hào. Anh Nghếu làm xuất phát bằng cái tâm, vì muốn giữ gìn các di sản văn hóa cho đồng bào, không chờ đến hỗ trợ của huyện hay cấp có thẩm quyền. Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên dương điển hình thanh niên này về bảo tồn văn hóa”.