Người dân có thể đóng góp ý kiến ở đâu?
Ngày 18/3, tại trụ sở Bộ Công an, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử (gọi tắt là dự thảo Nghị định) tổ chức họp để lấy ý kiến tham gia vào dự thảo. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định, chủ trì. Tới dự còn có đại diện 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ban soạn thảo, Tổ Biên tập nghị định.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đóng góp đánh giá về sự cần thiết ban hành Nghị định, đối tượng cấp tài khoản định danh điện tử, mô hình của hệ thống định danh và xác thực điện tử, các thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo Nghị định; phí và lệ phí khi thực hiện định danh và xác thực điện tử…
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc xây dựng Nghị định rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu lý luận và thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để triển khai hoạt động định danh và xác thực điện tử. Về bố cục, nội dung của dự thảo Nghị định đã cơ bản bảo đảm yêu cầu đề ra.
“Trong thời gian tới, đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của đại diện các Bộ, ngành và các thành viên Ban soạn thảo theo hướng các quy định tại Nghị định phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, có thể triển khai thực hiện được ngay. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động định danh và xác thực điện tử” – Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Hiện tại, dự thảo Nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến tham gia của người dân.
Các bước đăng ký định danh điện tử
Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến định danh và xác thực điện tử.
Trong đó, danh tính điện tử là các thông tin về số định danh cá nhân, tên, tuổi, ngày sinh, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký thường trú, ảnh chân dung và vân tay. Đối với tổ chức gồm mã số tổ chức, tên tổ chức, địa chỉ trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh, mã số thuế (nếu có), người đại diện hợp pháp, mẫu dấu hoặc chứng thư số.
Cá nhân là người Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNEID hoặc đến cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân (CCCD); đối với người nước ngoài sẽ do cơ quan công an quản lý xuất nhập cảnh cấp tài khoản định danh điện tử.
Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký là cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD; cơ quan công an xã, phường, thị trấn (trừ trường hợp công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử khi cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chíp).
Đối với các hồ sơ đăng ký qua ứng dụng VNEID do Bộ Công an sẽ quy định nơi tiếp nhận hồ sơ.
Sau đó, hồ sơ được mang trực tiếp đến cơ quan nơi tiếp nhận hoặc nộp qua ứng dụng VNEID. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử kiểm tra thông tin để lập, xử lý hồ sơ và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.