Người đẹp và mẹ - mối quan hệ đặc biệt ấy luôn có những câu chuyện thú vị và cảm động bên lề cuộc thi Hoa hậu Việt Nam…
Những bà mẹ tận tụy
Khi các thí sinh hoa hậu khu vực phía Bắc tới sân bay Nội Bài để vào Phú Quốc, có một phụ nữ đi cùng chuyến bay với đoàn. Hành lí của chị ngoài mấy vali lớn, còn có hai thùng giấy to, bọc nylon cẩn thận.
Chị Thủy xin nghỉ phép hẳn hai tuần để đồng hành với con từ ngày đầu cho tới đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam. Ra đảo, chị cả lo mang theo đủ thứ. Từ cây kim sợi chỉ, gừng và chậu ngâm chân, tới các loại thuốc bổ, thuốc đau đầu cảm sốt, đông trùng hạ thảo, các loại đồ ăn…
Hôm các thí sinh vào Phú Quốc, chị Phương - mẹ của thí sinh Nguyễn Trần Huyền My - cũng tới đảo trên một chuyến bay khác. Hành lý của chị còn có cả đồ ăn thức uống, đồ dùng cho con. Chị Phương thuê phòng cách Vinpearl Resort khoảng bốn cây số, đường khó đi. Buổi sáng, thường khoảng 4h30, chị đã thức dậy, cùng chuyên gia trang điểm tới chỗ con gái. Những lúc Huyền My thi Người đẹp Tài năng hay Người đẹp Biển, chị ý nhị ngồi ở một chỗ xa nhưng đôi mắt dõi theo vừa rạng ngời xúc động, vừa hạnh phúc.
Lần thi Hoa hậu Việt Nam 2012 ở Đà Nẵng, tôi nhìn thấy mẹ Dương Tú Anh - sau này trở thành Á hậu 1 - giữa trời nắng, đã cúi xuống buộc dây giày cho con gái. Hình ảnh đó được một ống kính ghi lại và đưa lên mạng, gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Một luồng ý kiến cho đó là biểu hiện của tình mẹ con thật cảm động, luồng ý kiến còn lại thì bình luận: Sao lại để mẹ phải cúi mặt xuống sát đất để buộc dây giày như vậy, có khác gì “nô tỳ”.
Nhưng tôi biết có nhiều bà mẹ luôn sẵn sàng làm “nô tỳ” có thể suốt đời cho con gái yêu. Lần thi Người đẹp Tài năng Hoa hậu Việt Nam 2012, mẹ của Hoàng Anh - sau này trở thành Á hậu 2 đi khắp thành phố Đà Nẵng để tìm một cái ghế gỗ có kích thước khá đặc biệt. Hôm sau, Hoàng Anh sẽ biểu diễn bài múa hiện đại “Giấc mơ trưa” và cần cái ghế đó để làm đạo cụ. Tìm khắp thành phố không có, cuối cùng chị đã vào xưởng mộc thuê đóng cấp tốc chiếc ghế để sáng mai con gái có đạo cụ. Con gái thi “Giấc mơ trưa” mà mẹ thì mất ngủ cả đêm vì lo ghế.
Những người mẹ một mình nuôi con
Cô gái dân tộc Ê-đê này vẫn nhớ những ngày mẹ phải một mình nuôi 6 người con nhưng hôm nào cũng đi bộ gần chục cây số đưa đón con đến trường. H’Ăng Nie vẫn nhớ hình ảnh ngày kết thúc lớp 1, mẹ chờ mình ở cổng trường. H’Ăng Nie khoe với mẹ giấy khen học sinh giỏi, mẹ xem mãi rồi bỏ vào gùi mang về nhà. Gùi có mỗi chiếc giấy khen mà xem ra “nặng” quá với mẹ. Giờ đây hình ảnh H’Ăng Nie sải bước khoe sắc trên sân khấu đêm chung kết cũng có giá trị với mẹ như tấm giấy khen ngày ấy.
H’Ăng Nie tâm sự: “Ở buôn em, con gái 22 tuổi như em mà chưa lấy chồng thì bị coi là ế, nên mẹ từng lo em ế chồng. Em đi thi hoa hậu mẹ không lo nữa. Không ra được Phú Quốc, mẹ và dân làng trong buôn sẽ theo dõi đêm chung kết và cổ vũ em qua TV”.
Kể về mẹ, người đẹp Trang Trần Diễm Quỳnh không cầm được nước mắt: “Ba mẹ em chia tay nhau khi em mới học lớp 6. Em sống với mẹ từ đó đến giờ, mẹ không muốn đi bước nữa vì thương em. Mẹ một mình nuôi em và anh Hai ăn học, khổ cực lắm. Lúc nhỏ, em hay bị ốm, mỗi lần em nhập viện, không có ai trông anh Hai, mẹ phải chở anh vô viện. Hai anh em nằm trên giường bệnh dù anh không bị bệnh. Mẹ đang có vị trí tốt trong xưởng may nhưng vì phải xin nghỉ làm để chăm em nhiều quá, người ta phải thay thế mẹ”.
Hay tin con gái mệt, mẹ từ TPHCM ra Phú Quốc thăm Diễm Quỳnh được một ngày rồi lại phải vội vã trở về vì công việc quá bận rộn.
Rất dễ nhận ra gương mặt của những người mẹ có con đi thi hoa hậu, vừa hồi hộp, lo lắng, vừa hạnh phúc, tự hào và luôn sẵn sàng phục vụ ái nữ một cách vô điều kiện và đôi khi hơi quá mức bình thường.