Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; phòng chống tiêu cực, gian lận thương mại và thất thoát thuế, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc.
Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Công văn số 452 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các điểm nghẽn về Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản.
Bộ Công an đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/1 ngày từ đầu năm 2024 đến nay. Dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng.
Thực hiện tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy (khoảng 150.000 lượt sử dụng hàng ngày); giúp tiết kiệm khoảng 450 tỷ đồng mỗi tháng….
Cùng với đó, ông Long cho biết, các cơ quan cũng đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Đặc biệt, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% phí cấp Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID đối với công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn có tài khoản VNeID mức độ 2. “Với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng”, ông Long thông tin.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ ra hạn chế là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp (tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%).
Qua thống kê trên cổng dịch vụ công quốc gia, ông Long cho biết, mới chỉ có Bộ Công an; Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hoá để cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Các bộ, ngành còn lại chưa thực hiện.
“Người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp trong khi dữ liệu đất đai đã được số hóa trên môi trường điện tử. Nguy cơ tác động đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu 50% thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm”, ông Long nói.