Trên số báo ngày 29-9, chúng tôi đã phản ánh tình trạng mua bán các loại thùng, can đựng hóa chất tràn lan ở Đồng Nai. Người dân vô tư mua về đựng thực phẩm, nước uống và họ tự đầu độc mình mà không biết.
Điều nghịch lý là các cơ quan quản lý biết rất rõ tình trạng này nhưng dường như bỏ mặc Theo xe đi mua thùng phuy Sau những ngày tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nguồn hàng được cung cấp từ một cơ sở thu gom ở các khu công nghiệp. Từ đây, các thùng, can được phân phối xuống các đại lý nhỏ hơn mới đến tay người sử dụng mà không gặp bất kỳ động thái kiểm tra, kiểm soát nào từ cơ quan chức năng. Đầu tháng 6-2014, chúng tôi theo xe tải số 60S-0542 của đại lý Văn Lạc đi lấy hàng từ rất sớm. Sau nhiều lần rẽ, xe vào một con hẻm và chạy đến kho nằm ở tổ 17, khu phố 2, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa để lấy hàng. Đây là đầu mối chuyên cung cấp các thùng nhựa, phuy nhựa đựng hóa chất đã qua sử dụng.
Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở đầu mối này rộng hàng ngàn mét vuông nằm giữa khu dân cư, được che kín mít bằng tôn cao hơn 2 m. Cánh cổng sắt chỉ mở khi có xe đến lấy hoặc nhập hàng. Khi xe tải của đại lý Văn Lạc vừa đến, cánh cửa sắt mở ra rồi rất nhanh chóng đóng lại. Xe tải đi thẳng vào chỗ để các loại thùng phuy nhựa. Những chiếc bồn nhựa, phuy, can nhựa… lần lượt được đưa lên xe. Ngoài ba người của đại lý Văn Lạc còn có bốn người của kho chuyển gần 100 can nhựa lên xe. Khoảng một giờ sau, xe ra khỏi cổng cũng là lúc xe tải số 60V-7670 chở đầy ắp can nhựa màu xanh loại 20 lít nhập kho. Giữa tháng 8-2014, chúng tôi tiếp cận kho này và khi định đẩy cánh cửa sắt thì bốn con chó nhe răng “chào” chúng tôi và sủa inh ỏi. Liền đó một người chạy ra ngăn không cho chúng tôi đi sâu vào bên trong, hỏi cộc lốc: “Cần gì?”. Sau khi chúng tôi cho biết ý định muốn mở đại lý bán can, thùng nhựa thì người này cho số điện thoại, nói là của chủ xưởng, “cứ gọi cho anh Luyến là có hàng”, rồi nhanh chóng đuổi chúng tôi ra khỏi kho. Theo người này, hàng trong kho do ông Luyến thu gom trực tiếp từ các công ty trong các khu công nghiệp nên giá rẻ. Sáng 8-8, theo xe 60V-7670 của kho hàng này, thấy xe chạy vào đường 9A thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa rồi chạy vào Công ty N. bốc các thùng nhựa 1.000 lít và thùng phuy nhựa, sắt chở về kho. Một bảo vệ Công ty N. cho biết các loại thùng, can đều đã có mối nên không bán lẻ cho ai…
Nguy cơ sẩy thai, suy gan thận
Theo TS Nguyễn Đức Thạch, Chủ tịch Hội Hóa học tỉnh Đồng Nai, các chất tẩy rửa, dầu nhớt, hóa chất dệt nhuộm, phụ gia sản xuất sơn… đều có các chất độc hại rất nguy hiểm. Sử dụng những thùng chứa hóa chất này vào đựng nước, thực phẩm thì các chất độc ấy sẽ phơi nhiễm, ngấm dần vào thực phẩm. Nó không phát bệnh hay ngộ độc làm chết ngay nhưng sẽ ngấm dần vào cơ thể, trong thời gian dài sẽ phơi nhiễm gây các bệnh về phổi, gan, thận, đường tiết niệu, tiêu hóa… TS Thạch phân tích: Những loại thùng này là dùng đựng hóa chất nên thường dùng loại nhựa tái chế hoặc trộn bột đá (canxi cacbonat) để giảm giá thành. Vì vậy, các hợp chất dễ dàng hấp thụ vào thùng. Khi đã đựng hóa chất thì nó sẽ tồn dư và không thể rửa sạch được, kể cả phương pháp dùng công nghệ để xử lý. “Muốn tái sử dụng những loại bao bì này thì phải có công nghệ xử lý phù hợp và tuyệt đối không sử dụng để chứa nước sinh hoạt và thực phẩm” - ông Thạch nói. Còn bà Hồ Thị Na, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai, thông tin: Qua kiểm nghiệm, trong các loại bao bì đựng hóa chất công nghiệp đã qua sử dụng có nhiều dẫn chất phtalat rất độc. Nếu mang bao bì đựng thực phẩm, nước uống khi vào cơ thể sẽ gây xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết, gây dậy thì trước tuổi. Ngoài ra, bao bì chứa hóa chất còn nhiều chất độc khác như bisphenol-A (BPA), melamine, formaldehyde, cadimi… gây sẩy thai, khó thụ thai, gây vô sinh nam, thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và khả năng nhận thức, rối loạn não và máu. Nó còn gây suy gan, thận và nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, đối với phụ nữ có thai thì làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi. Đặc biệt là trẻ em, khi đã nhiễm các loại hóa chất từ bao bì trên (qua đường tiêu hóa, qua da…), trẻ sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn một số cơ quan như gan, thận, tiêu hóa, não...
Kiểm soát không hết
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, hiện tượng mua bán các loại rác thải công nghiệp nguy hại trên địa bàn tỉnh là do các doanh nghiệp tuồn ra ngoài.
Tỉnh Đồng Nai đã từng có văn bản chỉ đạo UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP Biên Hòa kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu, đình chỉ hoạt động, di dời các cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh và thủ tục môi trường. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chuyển giao chất thải giữa chủ nguồn thải và đơn vị thu gom, vận chuyển để hạn chế chất thải nói chung thất thoát ra môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường và gây hại đến sức khỏe người dân.