Ông Allen Zderad, 68 tuổi, mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), đầu năm nay được gắn một con chip nhỏ vào bên mắt phải cùng các dây điện cực. Hai tuần sau đó, bộ phận giả trong đôi mắt kính được kích hoạt.
Qua đôi kính, người đàn ông ở bang Massachusetts, Mỹ có thể nhận thấy hình dáng con người, phác thảo các đối tượng trước mặt. Khi thấy vợ, ông nhận ra ngay lập tức, vươn tay ôm lấy bà và bật khóc.
"Đó là giây phút tuyệt vời nhất. Tôi quay về phía Carmen đang ngồi và lần đầu tiên trong 10 năm, tôi có thể nhận ra một hình dáng", Telegraph dẫn lời ông Zderad nói. Việc nhận ra vợ giờ đây không còn là một thử thách với ông. "Thật dễ dàng, vì cô ấy là người xinh đẹp nhất trong căn phòng", ông nói.
Theo các nhà khoa học tại trung tâm Mayo Clinic, mắt nhân tạo hoạt động bằng cách gửi tín hiệu sóng ánh sáng đến dây thần kinh thị giác, đi vòng qua vùng võng mạc tổn thương.
Cặp kính có thiết kế một camera ở trung tâm (phía trên phần sống mũi khi đeo lên mắt). Hình ảnh từ camera được dẫn xuống dây nối và truyền qua một thiết bị đeo ở thắt lưng. Các kết quả phân tích hình ảnh sau đó sẽ truyền thông tin đến vị trí được cấy.
Giải thích về trường hợp của Zderad, chuyên gia Raymond Iezzi cho rằng ông đang trải nghiệm "thị lực nhân tạo". "Nó không giống bất kỳ hình thức nào mà ông ấy từng trải nghiệm trước đây. Zderad nhận các xung tín hiệu đi vào võng mạc, và chúng tạo ra những tia ánh sáng nhỏ (electro-phosphenes)", ông Iezzi nói. Bằng cách di chuyển phần đầu, sử dụng bộ nhớ về hình ảnh và tất cả các kỹ năng nhận thức khác, ông Zderad có thể tự tái hiện lại một hình ảnh trước mắt.
Theo IB Times, trong tương lai, mắt điện tử có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân từng gặp chấn chương, người mắc bệnh tiểu đường hay tăng nhãn áp.
Viêm võng mạc sắc tố là một bệnh thoái hóa, ảnh hưởng đến võng mạc mà không có phương pháp điều trị hiệu quả. Ông Zderad bắt đầu gặp các vấn đề về mắt từ 20 năm trước và mất khả năng nhìn khoảng 10 năm sau đó.