Hạnh ATM gạo
Giữa bão dịch COVID-2019, cũng như các địa phương khác, Bình Phước phải giãn cách xã hội để chống dịch. Trước tình cảnh đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi giãn cách, Mỹ Hạnh nảy ra sáng kiến thiết kế và chế tạo máy ATM gạo nghĩa tình để hỗ trợ người dân nghèo và trở thành ATM gạo đầu tiên của tỉnh Bình Phước.
Sáng kiến của Mỹ Hạnh độc đáo ở chỗ sử dụng năng lượng mặt trời nhưng cũng có thể sạc trực tiếp từ nguồn điện 220kV. Máy được hoạt động bằng nguồn điện sạc tích trữ 40Ah, có thể phục vụ tới 200 lượt. Với kích thước nhỏ gọn, máy có thể dễ dàng di chuyển và hoạt động lưu động phục vụ bà con, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, máy ATM gạo này được thiết kế với tốc độ chảy gạo cao, chỉ 20 giây/lần nhả gạo, cho phép rút ngắn thời gian lấy gạo, đồng thời có khả năng điều chỉnh số lượng gạo phát ra với độ chính xác cao. Những tính năng thông minh trên sẽ giúp người nhận tiết kiệm được thời gian đến nhận gạo, bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm tính công bằng về thời gian, số lượng gạo mỗi người được nhận…
Nhận thấy mô hình này có ý nghĩa thiết thực và có tính khả thi cao, Mỹ Hạnh và các cộng sự tại Công ty Điện lực Bình Phước phối hợp cùng CLB Khởi nghiệp Đồng Xoài bắt tay vào sản xuất và cho ra đời sản phẩm đầu tiên với tên gọi “Máy ATM gạo nghĩa tình sử dụng bằng năng lượng mặt trời”.
Ngay khi đưa vào sử dụng (cuối tháng 4/2020), máy ATM gạo của Mỹ Hạnh được đặt tại trụ sở UBMTTQ thành phố Đồng Xoài và đã phát huy tác dụng cao độ, góp phần giúp đỡ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn thành phố Đồng Xoài. Do nhu cầu nhận gạo hàng ngày khá đông, lúc cao điểm lên đến gần 500 lượt người/ngày, Mỹ Hạnh cùng mọi người tiếp tục phát triển và cho ra đời máy ATM gạo thứ hai, rồi thứ ba. Các máy ATM gạo hiện vẫn còn đang được sử dụng và phát huy hiệu quả tại khu vực đô thị lẫn ở các vùng xa khó khăn. Từ việc ra đời và hoạt động hiệu quả của các máy ATM gạo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm gần xa đã đóng góp, hỗ trợ gạo giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn không chỉ trong thời gian diễn ra dịch bệnh mà cả hiện tại.
Cùng với ATM gạo,Mỹ Hạnh còn sáng kiến chế tạo thiết bị máy rửa tay tự động bằng điện và năng lượng mặt trời. Đây là hai sáng kiến vì cộng đồng của cô được ứng dụng rất hiệu quả trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.
Ngoài ra, Mỹ Hạnh có có nhiều sáng kiến thiết thực khác đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tế công việc tại đơn vị, đó là: Ứng dụng mã vạch trong công tác quản lý tài liệu hội nghị, cuộc họp thay thế cho các tài liệu bằng giấy – PCEvent; Tủ khử khuẩn hồ sơ, tài liệu; Ứng dụng EVN Reminders (ERs) nhắc nhở trên điện thoại và thanh thông báo máy tính; Số hóa thẻ đeo nhân viên 4.0 – ICC (Integrated Circuit Card); Liên kết mã Căn cước công dân vào Mã định danh CBCNV ngành điện ứng dụng trên thẻ đeo nhân viên, thẻ ngành, thẻ đặc trưng công việc, danh thiếp, Phần mềm Quản lý chi phí Quản lý dự án.
Đáng chú ý nhất là sáng kiến là Số hóa thẻ An toàn điện – thẻ An toàn lao động. Với sáng kiến của mình, Mỹ Hạnh đã giúp đơn vị sử dụng thẻ nhựa có mã vạch thay cho thẻ giấy truyền thống. Thẻ nhựa có mã vạch mang đến khả năng lưu trữ thông tin lớn và độ bảo mật thông tin cao, giúp người quản lý và người trực tiếp thực thi nhiệm vụ kiểm soát được quy trình an toàn trong lao động. Bên cạnh đó, thẻ còn thích hợp với nhiều môi trường khác nhau, nơi có nhiệt độ thất thường, khắc nghiệt.
Mới đây, Mỹ Hạnh có sáng kiến Sử dụng phần mềm để quản lý mật khẩu cài đặt công tơ điện tử, giúp giảm thiểu được rất nhiều thủ tục giấy tờ, tiết kiệm được thời gian, công sức và giúp cải tiến cả quy trình quản lý vận hành công tơ điện tử trên địa bàn.
Dấn thân vì đam mê công nghệ
Mỹ Hạnh tiết lộ, hiện cô đang ấp ủ thiết kế phần mềm quản lý hoạt động thể thao của đơn vị, giúp nâng cao sức khỏe và quảng bá thương hiệu EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Mỹ Hạnh vốn học quản trị kinh doanh, tài chính và cả hai lĩnh vực cô đều có bằng thạc sĩ. Sau khi du học nước ngoài, cô theo đuổi những kế hoạch kinh doanh riêng của mình. Tuy nhiên, truyền thống gia đình đã đưa Mỹ Hạnh đến với ngành Điện, kể từ năm 2015 và hiện nay cô là chuyên viên BQL dự án, Công ty Điện lực Bình Phước. Mỹ Hạnh chia sẻ: “Công tác chuyên môn đã chiếm hết thời gian, lại thêm hai con nhỏ, nên mỗi khi trong đầu nảy ra ý tưởng gì đó, mình lại phải mày mò tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, sau đó báo cáo lãnh đạo đơn vị để được chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ. Bên cạnh đó, ông xã - người cùng ngành điện, và cả bạn bè cùng trợ giúp nên các ý tưởng của mình đều được hiện thực hóa”.
Ông Lê Tấn Quang - Giám đốc công ty Điện lực Bình Phước đánh giá, Lê xuân Mỹ Hạnh là cô gái mạnh mẽ, năng động, không ngại cực khổ và đặc biệt đam mê công nghệ. “Lúc nào cô ấy cũng muốn làm từ thiện xã hội nhưng theo cách riêng của của mình, đó là đưa chất xám, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động”, ông Quang nói, đồng thời cho biết, những sáng kiến của Mỹ Hạnh không chỉ làm lợi cho đơn vị mà còn cho cộng đồng.
Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam, ông Lê Xuân Thái nhìn nhận, Mỹ Hạnh có nền tảng học vấn, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu cho nên dù công nghệ là lĩnh vực “trái tay” cô vẫn có những sáng kiến rất thiết thực, hiệu quả. Mỹ Hạnh xuất thân từ gia đình có truyền thống ngành điện, do đó cô có nhiều cơ hội tiếp cận với văn hóa ngành điện và tình yêu với ngành. Điểm nổi bật, Mỹ Hạnh là người năng động, có lòng nhiệt tình trong phong trào CNV-NLĐ và hoạt động Công đoàn; nhạy bén trong công tác xã hội và sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ công việc với mọi người.
Lê xuân Mỹ Hạnh sinh năm 1988, có trình độ thạc sĩ Quản trị kinh doanh, thạc sĩ Tài chính ngân hàng, cử nhân Quản trị kinh doanh, kỹ sư điện. Tính đến nay cô có 10 sáng được ứng dụng, làm lợi hàng tỉ đồng. Cô cũng đã nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo của địa phương và năm 2022 được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo.
Mỹ Hạnh là một đại biểu trẻ tiêu biểu tại Đại hội Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra giữa tháng 7 vừa qua.