62 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Người chỉ huy 'Dũng sĩ Đồi Xanh'

TP - Dù đã ở tuổi chín mươi, nhưng người cựu binh của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa hiện còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ngày đó ông chỉ huy những “Dũng sĩ Đồi Xanh” quyết tử giữ vững một cao điểm quan trọng, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Nguyễn Thế Lợi xem cuốn sách “Những người làm nên lịch sử”. Ảnh: K.N

Được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Gần đây, trong lần gặp đại tá Hoàng Đăng Vinh (người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát, năm 2015 được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), tôi được biết cùng thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) với ông còn có một người từng lập chiến công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên. “Đồi Xanh là một cao điểm rất trọng yếu của chiến trường Điện Biên. Trong chiến dịch anh Nguyễn Thế Lợi đã cùng đồng đội giữ vững cao điểm này là một chiến công đáng kể trong chiến dịch Điện Biên”- đại tá Hoàng Đăng Vinh
cho biết.

Tôi về xóm Độc Lập, khu 3 phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) gặp cựu chiến binh Nguyễn Thế Lợi. Trong căn phòng đơn sơ của ngôi nhà một tầng, nổi bật nhất là tám huân chương được lồng khung treo trên tường, gồm Huân chương Quân công, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến thắng, Huân chương Kháng chiến… các hạng. Thấy tôi chú ý xem, ông Lợi cho biết: “Những Huân chương đó tôi được tặng thưởng chủ yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.

“Trước đây, kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có người đến gặp cha tôi để lấy tư liệu viết sách. Năm 2009, cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, trong đó có giới thiệu về cha tôi”.

          Anh Lập tự hào

Nhắc đến những năm tháng tuổi trẻ trước đây, ông Nguyễn Thế Lợi (sinh năm 1926) cười khà, bảo: “Quá trình chiến đấu của tôi khá dài, nên chỉ kể vắn tắt”. Ông cho biết, mình là cán bộ tiền khởi nghĩa, trước Cách mạng tháng Tám đã tham gia thanh niên cứu quốc, rồi bảo vệ mít tinh khi khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Năm 1946, ông nhập ngũ, đơn vị hoạt động tại khu vực Chũ (Bắc Giang) với nhiệm vụ diệt tề, xây dựng lực lượng vũ trang tại địa phương. Năm 1951, Nguyễn Thế Lợi trở thành lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đại đoàn 316 (thuộc trung đội 12, đại đội 28, tiểu đoàn 439, trung đoàn 98) tham gia đánh bốt Thứa, Kênh Vàng, Trạm Trai, Hồ thuộc tỉnh Bắc Ninh trong chiến dịch đồng bằng, rồi ngược lên Tây Bắc đánh địch tại Sơn La. Năm 1953, trung đoàn 98 hành quân lên Tây Bắc, Nguyễn Thế Lợi đã có mặt ở những trận đánh ác liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Câu chuyện sôi nổi hẳn lên khi nhắc đến trận đánh tại Đồi Xanh. Ông Lợi cho biết, trong chiến dịch Điện Biên, quân Pháp rất bất ngờ khi biết tin Đồi Xanh đã được ta chiếm giữ và xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc. Đây chính là cao điểm 781. Sở dĩ được gọi là Đồi Xanh vì điểm cao này rừng cây rất rậm rạp, xanh mướt. Đồi Xanh có vị trí chiến lược khi cách cánh đồng Mường Thanh vài cây số, tại đây có thể bao quát toàn bộ khu vực phía đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Một số đơn vị trực thuộc của tiểu đoàn 439 được lệnh chốt giữ tại Đồi Xanh, nhiều lần đánh bật được quân địch khi chúng đánh chiếm cao điểm này.

Khi chiến trận vào giai đoạn ác liệt nhất, trung đội do Nguyễn Thế Lợi chỉ huy được lệnh chốt giữ Đồi Xanh. Đỉnh điểm giao tranh diễn ra ngày 5/3/1954. Khi từ sáng sớm quân địch nã pháo dữ dội khiến Đồi Xanh trở nên xơ xác. Do làm sẵn hầm trú ẩn nên quân ta vẫn an toàn. Sau đó, địch điều động 2 tiểu đoàn tiến lên đồi. Nguyễn Thế Lợi quán triệt anh em: “Cứ để địch đến thật gần mới được nổ súng”. Khi địch tới rất gần, súng trung liên, lựu đạn được ta đánh tới tấp khiến địch thương vong nặng, khiến chúng sau nhiều giờ vẫn không thể tiến lên được Đồi Xanh. Địch đành rút xuống và tiếp tục pháo kích, đồng thời huy động xe tăng cày nát giao thông hào để tiếp tục tấn công. Khi đó, quân ta lại vào hầm nấp, khi địch tràn lên lại tiếp tục đánh. Ta và địch cứ giằng co như vậy 5-6 đợt tấn công, phản kích. Cuối cùng, do thương vong nặng nên địch phải rút lui, từ bỏ việc đánh chiếm Đồi Xanh.

Với chiến thắng Đồi Xanh, 24 chiến sĩ (kể cả những người hy sinh) do Nguyễn Thế Lợi chỉ huy được cấp trên tặng thưởng Huân chương ngay tại trận địa, đồng thời được gọi là những “Dũng sĩ Đồi Xanh”. Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân khi đó còn gọi Đồi Xanh là “Đồi Huân chương”. Sau đó, Nguyễn Thế Lợi và tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 439 được mời về Chỉ huy sở Mường Phăng để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi nghe báo cáo kinh nghiệm phòng thủ Đồi Xanh, Đại tướng khen: “Đánh địch chắc chắn như thế thì ta sẽ luôn nắm được phần thắng”. “Kỷ niệm từ lần được gặp Đại tướng đó đã theo tôi đi suốt những tháng năm sau này”- ông Lợi trầm ngâm.

Truyền lửa Điện Biên

Câu chuyện tạm gián đoạn khi anh Nguyễn Thế Lập, con trai cả của ông Nguyễn Thế Lợi về nhà. Anh Lập cho biết, tuy tuổi cao nhưng nhiều năm nay ông Lợi vẫn có thói quen đi bộ đến nhà con cháu, lúc thì thăm bạn hoặc xóm giềng. Con cháu sợ ông mệt, thì ông bảo đôi chân đi chinh chiến quen rồi, ngồi yên không chịu được.

Từ trái sang: Vợ chồng anh hùng Đặng Đức Song, ông Nguyễn Thế Lợi, anh Nguyễn Thế Lập tại Điện Biên Phủ.

Theo nhìn nhận của các con, ông Lợi luôn có hào khí của một người lính Điện Biên. Ông có 5 người con trai thì tất cả đều đi bộ đội, tuy sau này, vì những lý do khác nhau mà không ai theo đường binh nghiệp chuyên nghiệp. Còn ông, sau khi nghỉ hưu đã tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh phường Thị Cầu. Tại địa phương, với bản tính khiêm tốn, ông ít khi kể về mình, mà có nói thì chỉ đề cập về sự chiến đấu dũng cảm của những người lính Điện Biên năm xưa.

Tuy nhiên, dù kín tiếng, nhiều người vẫn biết ông là một “Dũng sĩ Đồi Xanh”. “Trước đây, kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có người đến gặp cha tôi để lấy tư liệu viết sách. Năm 2009, cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, trong đó có giới thiệu về cha tôi”- anh Lập tự hào nói.

Mở cuốn sách “Chuyện những người làm nên lịch sử” do anh Lập đưa, tới chỗ giới thiệu về ông Nguyễn Thế Lợi thì ngay bên cạnh là bài viết về Anh hùng Hoàng Đăng Vinh. Lật trang kế bên thấy giới thiệu về Anh hùng Đặng Đức Song, một người nổi tiếng của trận đánh Đồi Xanh năm xưa mà báo chí từng đề cập khá kỹ. Ông Lợi cho biết: “Trong trận đánh ngày 5/3 năm xưa, anh Song là cán bộ tiểu đội, đảm trách bắn súng trung liên. Anh Song chiến đấu rất dũng cảm, nên 2 năm sau chiến thắng Điện Biên đã được phong danh hiệu Anh hùng”.

Anh Lập cho biết, năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh đã cùng bố đến Điện Biên. Trong chuyến đi này, hai bố con có dịp đồng hành cùng vợ chồng Anh hùng Đặng Đức Song. “Trên xe, hướng dẫn viên giới thiệu để các cựu chiến binh kể lại những trận chiến đáng nhớ của mình. Ngoài trận Đồi Xanh, bố tôi còn kể về trận chiến trên đồi C1. Tại đây, hai bên giành giật nhau từng tấc đất trong gần một tháng. Cuối cùng, khi xung phong đánh chiếm gần trọn đồi C1, bố tôi bị trúng đạn gãy tay trái, ngất đi phải đưa về tuyến sau. Thế là ông không được chiến đấu đến cùng và dự lễ mừng công chiến thắng chỉ sau đó có vài ngày”- anh Lập cho biết.

Nhân câu chuyện về Anh hùng Đặng Đức Song, anh Lập đã gọi điện để bố nói chuyện với đồng đội cũ. Do ông Lợi hơi nặng tai nên anh Lập đã bật loa ngoài để bố tiện trao đổi. Qua câu chuyện giữa hai cựu chiến binh, tôi được biết vợ chồng Anh hùng Đặng Đức Song vẫn thường xuyên về thăm ông Nguyễn Thế Lợi. Họ vẫn xưng hô anh em với nhau, dù giờ đây một người đã ở tuổi 90, còn người kia đã ngoại 80. Sau đó, có dịp trao đổi với Anh hùng Đặng Đức Song, tôi được biết hôm trao Huân chương sau chiến thắng Đồi Xanh, ông Nguyễn Thế Lợi được nhận đầu tiên. Sau khi ông Lợi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trận chiến Đồi Xanh được công bố để toàn mặt trận học tập gương chiến đấu dũng cảm của những “Dũng sĩ Đồi Xanh”.

Hơn nửa thế kỷ qua tình cảm của những người lính Điện Biên vẫn được kết nối, vẫn lan tỏa đến thế hệ sau.