Ước nguyện phục hồi rừng gỗ quý
Rảo bước trên con đường mòn đã được dọn sạch lớp cỏ dại, ông Vừ Rả Tênh hướng mắt lên những ngọn cây Pơmu, Samu cao vút rồi choàng tay ôm lấy thân cây. Đôi tay chai sờn của người đàn ông ấy cứ vuốt ve, âu yếm cây như một người bạn tri kỷ. “Khu rừng này tôi cùng bố và các anh em trồng từ nhỏ, mới đó mà gần 30 năm rồi. Ngày mới ươm trồng, cây còn bé tí trong lòng bàn tay, giờ có cây ôm không nổi nữa. Chúng lớn nhanh thật”, ông Tênh vừa nói vừa nở một nụ cười chất chứa niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy rừng cây lớn mạnh từng ngày như ước nguyện của người bố quá cố.
Ông Tênh nhớ lại, những năm 1996, bố của ông là Vừ Pà Rê (SN 1947) vào dãy núi Pu Lon (bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) thì phát hiện cả khu rừng cây Pơmu, Samu quý đã bị tàn sát nham nhở. Những gốc cây bị chặt trơ trọi, cành cây bị vứt chỏng chơ. Chứng kiến cánh rừng “chảy máu”, cụ Rê bắt đầu nuôi ý tưởng phục hồi lại màu xanh cho rừng.
Nói là làm, hàng ngày cụ Rê tự mình lặn lội đi vào những khu rừng già để tìm kiếm cây Pơmu, Samu nhỏ về làm giống. Kiếm được cây nào, cụ cẩn thận đào lên, đặt vào gùi rồi cõng về, ươm lên những khoảng đồi trọc gần bản. Núi rừng rộng lớn, một mình làm không xuể, cụ Rê lại động viên các con trai hỗ trợ mình thực hiện ước nguyện trồng rừng. Hiểu được nỗi lòng của bố, 6 người con của đều ủng hộ nhiệt tình. Hàng ngày, 7 bố con cụ Rê tay cầm cuốc, vai cõng gùi lặn lội vào rừng tìm cây rồi miệt mài mang về ươm giống.
“Rừng sâu, bố con tôi phải dậy từ sớm để đi cho kịp. Có ngày tìm được cả gùi lớn, có ngày chỉ kiếm được một ít cây thôi nhưng cứ có cây là vui rồi. Có hôm đi rừng xa, mấy bố con phải mang theo cơm ăn trong rừng, 2, 3 ngày mới ra được. Hành trình ấy cứ kéo dài ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Thấy chúng tôi có vẻ mệt, bố lại động viên anh em tôi cùng cố gắng: “Rừng xanh, cây tốt, bản làng ta mới sống vui, sống khỏe được”, ông Tênh nhớ lại lời bố dặn.
Nhiều tháng miệt mài trồng và chăm sóc, những cây Pơmu, Samu con tự nhiên dần cạn kiệt khiến hành trình phục hồi rừng của bố con cụ Rê trở nên gian nan, vất vả. Nhưng không vì khó mà bỏ cuộc, bố con cụ Rê lại nghĩ cách chủ động cây giống bằng phương pháp ươm mầm từ quả và hạt.
“Đến mùa quả của cây Pơmu, Samu chín, bố con tôi lại vào rừng tìm rồi đưa về nhà phơi khô, tách hạt, làm ẩm để ươm mầm. Quả Pơmu, Samu chỉ bằng ngón tay, bên trong có từ 5-10 hạt, nhỏ như hạt gạo. Cách này rất hiệu quả vì mình chủ động được giống cây, nhưng rất mất thời gian chăm sóc. Ươm mãi, 2 tháng hạt mới nảy mầm rồi mất thêm nhiều tháng cây mới cao được 30cm. Lúc đó mới mang ra rừng trồng được”, ông Tênh nói và cho hay, hiểu được ý nghĩa của việc trồng rừng lại được chính quyền địa phương hỗ trợ, vừa có thêm thu nhập nên thời gian sau đó, bà con dân bản đã hăng hái lên rừng trồng cây. Cứ thế, phong trào trồng Pơmu, Samu được nhân rộng ra toàn xã.
Sau hàng chục năm kiên trì gây giống, những quả đồi núi trọc ở xã Tây Sơn dần được thay thế bởi màu xanh của cây Pơmu, Samu quý. Đến nay, trên diện tích 100ha rừng ở xã Tây Sơn, có hàng vạn cây Samu, Pơmu quý đứng sừng sững giữa đất trời. Tiếc thay, khi những cánh rừng Samu, Pơmu bắt đầu phát triển lớn mạnh thì cụ Vừ Pà Rê cũng qua đời. Để tiếp bước ước nguyện của bố, ông Tênh cùng 5 người anh em trong gia đình tiếp tục nhân giống, bảo vệ rừng cây.
Để khu rừng xanh tốt muôn đời
Ngày nay, khi về tới xã Tây Sơn ai cũng phải trầm trồ bởi cánh rừng Pơmu, Samu quý rộng cả trăm ha nằm sát khu dân cư bản Huồi Giảng. Khu rừng có độ dốc thoai thoải được bao trùm bởi màu xanh ngát của cây. Bên trong, lớp nhựa từ cây Pơmu, Samu tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ khiến ai cũng phải hít hà mỗi khi đặt chân đến. Để khu rừng thêm đẹp, gia đình ông Tênh phát quang, tạo những lối đi và cho đặt những chiếc ghế, xích đu để mọi người ngồi nghỉ ngơi khi đến với rừng. Những ngày cuối tuần, đặc biệt vào dịp hè, rất đông du khách trong và ngoài huyện ghé đến khu rừng vui chơi, chụp ảnh.
“Dịp lễ tết hay các ngày nghỉ, du khách trong và ngoài huyện ghé về rừng rất đông. Chúng tôi không thu tiền mà khuyến khích họ đến nhiều hơn nữa để hiểu hơn về rừng cây, môi trường. Từ đó, sẽ nâng cao được ý thức bảo vệ rừng cho mọi người”, ông Tênh nói.
Ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho hay, khu rừng Pơmu, Samu rộng hơn 100ha đang phát triển tươi tốt. Trong đó gia đình ông Tênh trồng được khoảng 30ha. Hiện nay, rừng cây đã có tuổi đời hơn 20 năm, mang lại giá trị kinh tế cao. Xã Tây Sơn đã chọn khu rừng làm điểm vui chơi giải trí và thời gian tới sẽ đầu tư, phát triển thành một điểm du lịch sinh thái cộng đồng.
“Trước đây người dân chưa có vật liệu làm nhà nên thường dùng gỗ từ cây Pơmu, Samu để làm cột cho đến mái ngói lợp. Tuy nhiên ngày nay người dân và chính quyền đang ra sức bảo vệ, động viên người dân trồng mới loại cây quý này để bảo tồn giá trị. Rừng Pơmu, Samu mang lại giá trị rất lớn không chỉ về kinh tế mà còn các vấn đề về môi trường, góp phần giữ gìn văn hóa của người Mông”, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay.
Rừng cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh đã cao 5-6m, đường kính 40 - 50cm. Nhiều cây lớn đã có thể lấy gỗ để bán. Theo thị trường hiện nay, gỗ Pơmu, Samu có giá khoảng 30 triệu đồng/m³. Nhiều người phán đoán, khu rừng Pơmu, Samu quý này nếu thu hoạch gỗ bán sẽ có giá cả trăm tỉ đồng. Tuy nhiên ông Tênh cho biết, mục đích của gia đình trồng lên rừng cây này để cho con cháu đời sau nên sẽ tiếp tục trồng và bảo vệ chứ không hề có ý định thu hoạch gỗ. “Gia đình tôi sẽ tiếp tục bảo vệ, chăm sóc để khu rừng này mãi xanh tươi”, ông Tênh cười nói.
Pơ mu là một loại gỗ quý thuộc nhóm I, có mùi thơm, vân gỗ đẹp, nhẹ và bền, không bị mối mọt, có tác dụng xua đuổi côn trùng. Từ xa xưa, cuộc sống của người Mông đã gắn liền với cây Pơ mu. Ở đâu có Pơ mu, ở đó người Mông sinh sống. Thời gian trước, cây gỗ này bị khai thác nhiều nên số lượng ngày càng ít đi.