Ngủ suông ở Santa Cruz

TP - Phi trường Sanfau hiện ra trong muôn vàn ánh điện, sự hồi hộp mới quay trở lại trong lòng Nhung.

Nàng mường tượng cảnh cô con gái yêu đang sốt ruột chờ nàng ngoài sảnh, mắt dán vào tấm cửa gỗ nặng nề, nơi ngăn cách những người còn chưa xong thủ tục hải quan với cuộc sống bên ngoài.

Minh họa: Phạm Tuấn Tú.

Thêm nữa, sẽ có Bill, người trước khi nàng đi, đã chat với nàng những lời có cánh, hẹn khi nàng sang sẽ có một tuần cùng nàng ở Big Sur, nơi có thể nhìn thấy cảnh hoàng hôn vàng rực đổ xuống mặt biển.

Khác mọi lần, với chuyến bay dài gần 11 giờ từ Đài Loan sang Mỹ, bao giờ Nhung cũng nôn nóng không chịu nổi, có lần phải uống thuốc để ngủ vùi cho quên, nhưng lần này Nhung đã không còn nhớ tới thời gian. Bên cạnh Nhung là một tay người Mỹ.

Thoạt đầu, cả hai đều kéo mũ chùm qua mắt che ánh sáng. Chừng 1 giờ bay, khi cô tiếp viên người Hoa hỏi, có dùng gì không thì mỗi người mở mũ ra và gọi một món khác nhau. Sau đó, anh ta hỏi mượn Nhung tờ USA Today mà Nhung vừa cầm trên máy bay.

(Thực ra cầm tờ báo không phải vì quá quan tâm, mà có một dòng “tít” đậm và một bài dài về Việt Nam, Nhung muốn biết cái nhìn bên ngoài về đất nước của Nhung như thế nào). Tôi rất thích sống ở Việt Nam, anh ta nói. Thế à? Cảm ơn anh. Anh đã sống ở đâu? Bao lâu? Tại sao mà thích? Nha Trang. Ba năm rồi. Khí hậu ôn hòa, biển rất đẹp, người dân thân thiện, thức ăn ngon…

Nhung cười. Người từ các nước khác đến đây, ai cũng nói như vậy, thuộc lòng hay thực lòng. Khó mà biết. Nhất là người Mỹ hôm nay, họ đã đi qua khá nhiều trải nghiệm...

Câu chuyện dừng lại ở đấy. Tiếp viên đưa tờ khai hải quan. Ai nấy chăm chú viết. Đến chỗ khai mang gì, Nhung liếc thấy anh ta khai 8 hộp cà phê và giá tiền mỗi hộp. Nhung hoảng, nàng mang 12 hộp, không định khai gì cả vì mọi khi vẫn thế. Bèn hỏi. Anh ta bảo, cà phê Việt Nam thích lắm, có thể bị đánh thuế nếu mang nhiều. 8 hộp thì không nhiều, nhưng cần khai, vì minh bạch là thượng sách.

Từ cà phê câu chuyện lan man sang hải quan mỗi quốc gia mỗi khác, có nơi đã hạch sách anh ta chỉ vì tên trên pasport so với trên vé, thiếu mất 2 ký tự. Lỗi do bên bán vé, viết tắt một tên phụ. Anh nói, hải quan nơi đó không chịu, bắt nộp phạt 50 USD. Thôi thì phải nộp, mặc dầu nó như nhau, chuyện viết tắt hay viết đủ cái tên phụ ấy, nhưng cái đáng ghét là họ không đưa biên lai. Anh nói thêm.

Nhung chia sẻ với anh chuyện đó, rồi hỏi anh đã đi nhiều nơi chưa, cảm tình với nơi nào nhất. Anh bảo, có một nơi anh định không bao giờ đến, vì ở đó người ta coi con người không bằng củ cải, cứ không đồng ý với nhau là cho xe nghiến luôn. Nếu đến, coi như tự phản bội lại đạo đức của mình. Nhưng bây giờ có tuổi rồi, nghĩ lại, anh đã đến. Không chỉ vì đó là một phần của những cái đẹp toàn thế giới mà anh muốn hiểu lý do tại sao con người ở đó lại bị coi không bằng củ cải…

Nhung nghe mà giật mình. Nàng cũng nghĩ giống hệt anh, nhưng chẳng bao giờ dám nói ra với người lạ. “Củ cải ư? Không, thấp hơn thế ấy chứ”. Nàng hừ hữ trong cổ, cười mà nước mắt cứ ứa ra. Anh nói sang chuyện khác. Anh bảo cái xứ ấy, quả thật có nhiều điều lạ lùng. Đẹp cũng vô cùng, bẩn cũng vô cùng. Người giàu, giàu nhất thế giới, người nghèo chẳng ai nghèo bằng. Người giầu nói gì cũng đúng, người nghèo nói gì cũng sai.

Cái gì thế giới có, bắt chước luôn, làm luôn, chẳng biết thế là ăn cắp công sức sáng tạo của người khác. Cái gì cũng rẻ, từ mạng người đến hàng hóa. Mọi đồ vật đều giát kim tuyến, lóng lánh lòe loẹt… nhưng chỗ nào cũng khói bụi. Nhung nhìn anh say mê. Nàng ngỡ như trong giấc mơ, nàng đang có người tri kỷ ngồi bên, nói hộ những điều nàng thầm nghĩ trong suốt cuộc đời. Thi thoảng nàng nói đưa đẩy một vài câu.

Rồi nàng nén một tiếng thở dài, bảo tiếng Anh của nàng rất kém, nghe được mà nói không được. Anh bảo, không, các bạn thông minh lắm, chúng tớ học mãi mà có nói tiếng Việt được đâu, chỉ có điều… Anh bỗng ngừng bặt. Rồi bỗng nhiên anh chàng vượt qua điều cấm kỵ, hỏi nàng làm gì, sang Mỹ bao lâu.

“Anh thì về Mỹ có 20 ngày thăm ông già bà già năm nay hơn 80 tuổi, con trai anh cũng đang làm việc thiện nguyện ở Tuy Hòa. Anh hy vọng sẽ được gặp lại em ở Việt Nam”. Trái tim Nhung thách lên một nhịp, đỏ cả chân tóc. Lúc này, Nhung chẳng còn nhớ gì đến Bill, đến Nam, như mọi lần cứ khi gặp một người đàn ông hấp dẫn là Nhung quên tất tật.

“Vì thế mà đời mày cô đơn, con ạ, đừng trách giời”. Đứa bạn gái của Nhung chua ngoa gọi Nhung là con, đã từng nói như thế nhiều lần, bởi cho đến tuổi này Nhung vẫn sống một mình. Nhung thì cho rằng tại trời, bởi cứ ai Nhung thích là y rằng thể nào trời cũng chia lìa ngay tắp lự.

Tiếng tiếp viên trưởng thông báo máy bay đang hạ độ cao cắt đứt mơ tưởng của Nhung, nàng cựa quậy để kéo cái túi da đeo phía trước bụng, xem lại hộ chiếu, giấy nhập cảnh… Nhanh như cắt, Paul xé mẩu giấy viết địa chỉ email và xin số phôn… Nhung ghi. Anh chàng đánh vần: Nh.u. ng. Nàng cũng nhắc: Paul. Yes, Paul. Ok, see you soon. May be.

* *

*

Rời khỏi máy bay, đứng trước những viên an ninh Mỹ mặc đồng phục màu tím than, Nhung lại quên ngay Paul. Thế giới sao nhiều kẻ đẹp trai đến thế…

Rất nhanh nhẹn so với tuổi của mình, nàng tiến về phía băng chuyền và nhìn ngay thấy hai chiếc vali của mình, một chiếc đã cũ bọc vải kẻ ô màu nâu, do chính nàng khâu, một chiếc hạng sang bằng nỉ cứng của Đài Loan, thắt chiếc nơ da cam ở tay khóa để dễ nhận, nằm sát cạnh nhau đang chạy đến trước mặt. Nàng kéo xuống, đặt lên xe. Đẩy ra khỏi cửa hành lý. Con gái và chàng rể ríu rít ôm hôn nàng.

Bill dè dặt hơn, tìm ánh mắt nàng rồi mới dang rộng vòng tay ôm chặt lấy nàng. Hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùa thu vùng vịnh, và mùi áo của Bill, nàng và mọi người lên xe trở về nhà ở Santa Cruz. Hai chiếc vali quá tải nằm gọn trong cốp, nàng mỉm cười nghĩ đến số đồ ăn Việt Nam mang theo cùng những quần áo và đồ lót cầu kỳ… “Đặc sản thì ở đâu cũng hiếm”, một triết lý quen thuộc của nàng.

Cũng như mọi lần Bill hoàn toàn nhường nàng thế chủ động. Con rể nàng bước đi trước, con gái nàng mời Bill mai lại ăn trưa. Và nàng hiểu, lời mời ấy thì Bill sẽ về một mình. Cả đêm nàng không ngủ, ban đầu gương mặt của Bill còn hiển hiện, càng về sau, càng biến dạng nhường chỗ cho Paul với câu chuyện nhân phẩm bị xúc phạm ở xứ sở đông dân cứ trăn trở trong giấc ngủ.

Lúc trên máy bay nàng muốn nói với Paul rằng, ở những xứ sở như thế chẳng cứ người có quyền, có tiền coi mạng người như cỏ rác, mà cỏ rác cũng hành hạ lẫn nhau. Nhưng nàng đã im lặng và sẽ vĩnh viễn im lặng. Nàng khóc một mình. Khóc cho những người đàn bà muôn đời không dám…hưởng.

Nàng vùng dậy, quả quyết, mở computer, định viết cho Paul vài dòng, hoặc cho Bill, hoặc cho Nam những người nàng tin cũng đang nghĩ đến nàng. Song, mãi mà nàng vẫn không dám. Nàng sợ. Cái gì nàng cũng sợ.

Sáng hôm sau. Khi con gái con rể và cháu nàng chưa thức giấc, nàng nhẹ nhàng mở khóa va ly để lấy quà ra. Một chiếc thôi mà đầy một bàn. Đặc sản thì ở đâu cũng hiếm. Nàng cười. Mở chiếc thứ hai. Lạ quá, chìa khóa không vừa.

Loay hoay mãi, nàng mới phát hiện, không phải vali của mình. Ồ, sao mà giống hệt. Cũng khóa, cũng nỉ cứng, cũng màu nâu, cũng 5 bánh xe đẩy và chiếc nơ màu da cam. Nàng cười sằng sặc. Như điên. Lại cười nữa, cười nữa, khi đọc thấy bên góc traí một tấm các nhỏ đề chữ Hán, có phiên âm Latin bắt đầu cũng bằng 2 chữ T.T.

Nằm vật lên giường, thôi cười, nàng bắt đầu nghĩ tới những hệ lụy. Rõ ràng là nàng cầm nhầm của người kia. Vì nàng là người ra đầu tiên. Đây là của đàn ông, hay đàn bà? Sao lại có người nghĩ giống hệt nàng? Đất đai, nguồn nước, hay não trạng xã hội đã sản sinh ra nàng và người kia cùng một dạng. Bên trong là những gì không biết. Nàng tự thấy không nên mở. Nàng đỏ mặt, nếu họ mở của nàng, thì những thứ kia… thật… kinh khủng. Nàng lúng túng thực sự.

Lấy gì để thay, ít nhất cũng phải chờ cửa hàng mở cửa mới mua được quần áo khác. Và có thể sẽ còn bị phạt. Nàng giận nàng đã mua cái valy giống của người khác 100%. Nàng giận nàng khi đã chọn cái nơ da cam để làm nên khác biệt thì trên thế giới cũng có một người giống nàng chọn cái màu da cam làm nơ để tránh nhầm lẫn. Mà vẫn bị nàng cầm nhầm. Một lần nữa nàng cười như giặc khi xuất hiện ý nghĩ sẽ gặp cái người cũng buộc chiếc nơ da cam để xem anh ta thế nào.

Mãi sau, nàng mới trở về thực tại. Ở xứ sở đông người, chuyện nhầm vali, rồi đổi lại, có khi chẳng có gì phiền phức, cùng lắm tiền sẽ giải quyết tất cả. Nhưng ở đây, không khéo nàng sẽ ra tòa… hoặc sẽ bị người ta… cười cho thối mũi. Nàng trách hai anh hải quan Mỹ đẹp trai, đã nhìn nàng cười, cho nàng qua dễ dàng, chẳng kiểm tra gì sất để nàng mang về tận Santa Cruz, cách sân bay Sanfau cả một quãng dài, rồi mai nàng phải quay lên…

Bỗng tiếng chuông điện thoại. Cắt ngang dòng tự trách của nàng. Đầu giây bên kia, hỏi nàng có phải là thế, là thế, tại sao vali của nàng lại còn ở đây…? Nàng kể chiếc nơ da cam. Nàng thanh minh thế giới giống nhau quá về vẻ bên ngoài nên nàng nhầm lẫn. Nàng không cố ý, và nàng thề bên trong sẽ là cả một thế giới khác biệt… Nói đến đây nàng ngượng. Nàng sợ người ta đã giở ra xem và biết hết cả rồi…

Nhưng, bằng một giọng rất vui vẻ, họ bảo nàng lên mà lấy về, và mang cái nàng cầm nhầm trở lại. Nếu không lên được thì đưa cho bất kỳ ai đem đổi là xong…

Nước Mỹ là thế, thảo nào mà Paul tự hào, và Paul chê trách những gì Paul đã gặp ở xứ sở đông người.

Vậy mà cuối cùng, khi mang vali về, mở những thứ trong đó ra ăn và mặc, nàng quên cả thế giới, quên cả Bill và Paul cùng cái nơ da cam.

Trần Thị Trường

Người đàn bà trong câu chuyện thật đa sự, quan tâm đến đủ thứ chuyện. Từ chuyện thời cuộc thế giới đến… đồ lót. Từ chuyện cõi người đến chuyện… cõi trời. Nhưng trên hết, người đọc có thể thấy trong thế giới bộn bề của nàng (có khác gì thế giới trong chiếc va li nhỏ của nàng?), câu chuyện nổi bật nhất vẫn là câu chuyện về những người đàn ông. Người nào cũng hấp dẫn, cũng đáng yêu, người nào cũng đáng quan tâm. Nên mới gây ra nhầm lẫn, và… ngủ suông!

 

Trần Thị Trường có lối viết gần gũi với thực tại, đôi khi khiến người ta ngỡ đó là tự truyện. Nhưng thực ra đó chỉ là một “chiêu” của nhà văn nữ đi nhiều, viết nhiều này. Bàn về đủ thứ, nhưng cuối cùng, trong truyện của Trần Thị Trường, cái đọng lại là người đàn bà và thế giới nội tâm của họ.

Theo Báo giấy