Họa sĩ Hoàng Đỗ Cường:

Ngổn ngang thế sự

TP - Hoàng Đỗ Cường sinh năm 1959, ra đi đột ngột trong một chuyến đi công việc ở Thái Bình ngày 10/2/2023. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, 1977-1983. Nhưng từ những năm 1990, ông bắt đầu chuyển sang sáng tác hội họa. Khi ông ra đi, bạn bè phát hiện trong vài thùng gỗ, tại căn phòng bé nhỏ của ông, có đến ngàn bức tranh.
Một góc triển lãm tranh của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do những người bạn của ông thực hiện

Nếu xếp tất cả ra, và xem cùng một lúc, chúng đầy ắp chuyện đời riêng tư của họa sĩ, cũng như ngổn ngang thế sự, mà ông đơn độc suy nghĩ, có vẻ như không chia sẻ được với bất cứ ai. Ông cũng từng triển lãm, cũng bán tranh, nhưng cũng chỉ là các việc từ năm 2020 trở lại đây, còn hầu hết những bức họa vẫn ở lại với ông, rất ít người biết và xem toàn bộ. Cường thân với những người bạn đồng nghiệp, như Sơn Sách, Trần Hùng, Phan Thiết...

Riêng đối với tôi, ông có ghé thăm một lần vào năm 1992, ở Hàng Quạt (Hà Nội) và gặp lại năm 2022, chuyện trò vài câu, còn ngoài ra nom thấy ông tại các cuộc triển lãm chỉ có gật đầu chào. Cảm giác, ông là người ít nói và thích riêng tư, ngay cả ở chỗ đông người.

Có lẽ bắt đầu từ nhà thơ Trần Dần, khi ông vẽ nhiều bức ngẫu hứng về cuộc đời khổ ải của mình: một kẻ gầy gò ngồi bệt xuống đất, một cẳng tay cầm đèn thò ra trong bóng tối, một gót chân vô tình trong góc tranh…rất nhiều, rất nhiều hình ảnh như vậy, được người con trai khai thác thành hội họa. Còn ở Trần Dần vẫn chỉ là các bản vẽ nhỏ vẩn vơ trên giấy nhỏ. Sau này, từ Trần Trọng Vũ, nhiều họa sĩ cũng làm như vậy, như Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Hoàng Phượng Vỹ…rất nhiều, rồi đến Hoàng Đỗ Cường. Một lối tranh biểu hiện sự đời luôn bất trắc, không chiều lòng ai, nên tự trách mình, và tự cô độc.

Hoàng Đỗ Cường có vẻ không quan tâm đến phong cách riêng, ông ảnh hưởng mỗi người một chút, ngoài những họa sỹ trên, tranh ông còn phảng phất lối vẽ của Trương Tân, Đinh Ý Nhi. Tóm lại là lối vẽ không quan trọng miễn là nội tâm của mình được bộc lộ, và ông cũng rất đam mê Matisse ở cách vẽ buông bỏ, mầu mỏng, bôi quệt đơn giản.

Ông vẽ về những tháng năm hạnh phúc của mình, cũng từng có gia đình, con cái. Rồi những tháng năm ước mong, khi sống một mình, vẽ bản thân cùng người đàn bà mà ông yêu quý thường là nép vào góc của bức họa. Vẽ về chính ông rất nhiều tư thế xuôi ngược, văn vẹo. Trong nhiều bức họa, ông tự do hơn rất nhiều các họa sỹ mà ông ảnh hưởng, bởi không quá cầu kỳ, không nhào nặn cho nuột nà, nghĩ sao vẽ vậy, nhát bút ngẫu hứng tùy theo tâm trạng.

Có lẽ, không nhất thiết đánh giá Hoàng Đỗ Cường ở vị trí nào, hay mức độ thành công trong hội họa. Vẽ là cuộc sống hàng ngày của ông, như ăn cơm mặc áo, một mình và cho mình, không cần đi đến mục đích nào cả. Ở góc độ này, ông là người vẽ chân thật và buồn tẻ với thân phận của mình.