Ngôi làng nằm trong quy hoạch sân bay Nội Bài mở rộng

720 ha đất thuộc 3 xã Phú Minh, Phú Cường và Mai Đình của huyện Sóc Sơn nằm đối diện nhà ga hàng không T1 và T2 sân bay Nội Bài (Hà Nội) chủ yếu là nhà dân.
Theo quy hoạch phát triển vận tải hàng không, sân bay Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) sẽ được mở rộng về phía bên kia đường Võ Nguyên Giáp với quy mô tương đương với sân bay Nội Bài hiện tại. Trong ảnh là khu vực nhà ga quốc tế T2, khánh thành tháng 1/2015

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, phương án xây dựng nhà ga CHK Nội Bài mới (nhà ga T3, T4) và đường cất hạ cánh mới có diện tích 720 ha, thuộc 3 xã Phú Minh, Phú Cường và Mai Đình (trong ảnh) của huyện Sóc Sơn, đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008.

Diện tích đất được quy hoạch cho CHKQT Nội Bài tầm nhìn tới năm 2030 vào khoảng 1.500 ha (gấp đôi diện tích CHK Nội Bài hiện tại). Dự kiến, đến năm 2050, CHKQT Nội Bài đạt công suất 80-100 triệu khách/năm.

Trong khi đó, theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tổng cộng 5 sân bay, trong đó có 2 sân bay quốc tế.

Trong số 720 ha đất của ba xã Phú Minh, Phú Cường và Mai Đình phần lớn là nhà ở, cánh đồng hoa màu và ao hồ.

Phần lớn nhiều người dân sinh sống ở đây không hề biết gì về chuyện quy hoạch khu vực này nên đã xây nhiều ngôi nhà kiên cố, thậm chí khá hoành tráng.

Trong ảnh là một trong nhưng ngôi nhà mới xây với phong cách thiết kế khá hiện đại, nó chỉ cách nhà ga T2 chưa đầy 1 km về phía bên kia đường.

Một ngôi nhà khác tại xã Phú Cường đang trong quá trình hoàn thiện.

Ranh giới các ngôi làng thuộc ba xã này chỉ cách địa phận sân bay vài trăm mét.

Dự kiến, chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015). Dự kiến, có gần 4.500 hộ dân bị ảnh hưởng, vấn đề an sinh xã hội sẽ là thách thức lớn.

Nếu tiến hành xây dựng, phần mở rộng (hai nhà ga T3, T4 và đường băng) có quy mô rất lớn tương đương dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đang nghiêng về phương án mở rộng, cải tạo hai nhà ga T1, T2 hiện có thay vì xây thêm 2 nhà ga mới trong thời gian tới. Lý do là với tốc độ tăng trưởng nóng hiện nay, sân bay Nội Bài sẽ sớm quá tải, không thể chờ việc lập dự án xây dựng nhà ga T3, T4 - vốn cần rất nhiều thời gian.

Đài kiểm soát không lưu của Tổng công ty Quản lý bay miền Bắc nhìn từ xã Phú Cường. Hiện tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không rất lớn, khoảng 14-17% một năm, riêng năm nay tăng 16%, vượt dự tính trước đó.

Trước mắt là Bộ giao Tổng công ty hàng không Việt Nam nghiên cứu mở rộng T1 và T2 nhằm đảm bảo năng lực phục vụ ít nhất 20-25 triệu hành khách/năm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ dự kiến sẽ xây thêm một đường cất hạ cánh ở phía nam, cùng với 2 đường băng hiện có. Nhà ga T1 sẽ được mở rộng và cải tạo, tăng thêm tầng để đáp ứng lượng khách nội địa. Trong khi đó, với nhà ga T2, theo thiết kế của tư vấn Nhật Bản, đã có chỗ để sẵn cho việc kéo dài, mở thêm 6-8 sân đỗ. "Việc mở rộng T2 như thế rất đơn giản", Thứ trưởng Trường nói.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, CHK quốc tế Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, nâng cấp thành cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hoá/năm.

Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ trở thành cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hoá/năm.

Theo Theo Zing