Ngoại giao bí mật cứu cựu trùm dầu mỏ Nga

TP - Việc cựu chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky được ân xá tuần trước và bay sang Đức ngay sau khi được phóng thích được cho rằng có sự can thiệp của “nền ngoại giao bí mật Đức- Nga”.

> Cựu tỉ phú Nga tuyên bố không dính đến chính trị
> Vì sao Tổng thống Putin ân xá trùm dầu mỏ?

Khodorkovsky (thứ hai từ trái sang) đã được đoàn tụ với bố mẹ và con trai ở Berlin.

Ngoại giao bí mật ở châu Âu

Trong những cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, nhà phân tích kiêm chính trị học nổi tiếng người Đức Alexander Rahr đã một vài lần đề cập đến “nền ngoại giao bí mật” ở châu Âu. Ông cho biết những kênh ngoại giao bí mật đã được xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước và cho tới nay vẫn được duy trì và đang hoạt động, tiêu biểu là kênh ngoại giao bí mật giữa Nga và Đức.

Kênh ngoại giao bí mật giữa Nga và Đức bắt nguồn từ thời Xô viết. Nhân vật thiết lập kênh này là Yuri Andropov - Chủ tịch Ủy ban An ninh Liên Xô KGB từ năm 1967 đến năm 1982. Hồi đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là Leonid Brezhnev, còn Thủ tướng Đức là Willy Brandt.

Thông qua kênh này, Liên Xô và Đức đã giải quyết nhiều vấn đề trong quan hệ song phương mà không cần bất kỳ một nước thứ ba nào làm trung gian. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô hồi đó - Andrey Gromyko – lúc đầu phản đối việc tiến hành một chính sách đối ngoại bí mật song song với chính sách đối ngoại chính thức nhưng rồi ông buộc phải đồng ý.

Theo tiết lộ của một số chuyên gia, kênh bí mật giữa Liên Xô và Đức được thiết lập thông qua Egon Bahr, Ngoại trưởng Đức dưới thời Thủ tướng Willy Brandt. Kênh này hoạt động ngay cả dưới thời Thủ tướng Đức kế nhiệm Willy Brandt là Gerhard Schroeder và theo nhận định của Alexander Rahr, hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động.

Đức cứu  cựu trùm dầu mỏ Khodorkovsky

Mikhail Khodorkovsky trước đây là Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ YUKOS lớn nhất nước Nga. Nhưng đến năm 2003 ông ta bị bắt vì phạm nhiều trọng tội kinh tế và bị tù từ đó đến nay. Phương Tây cho rằng, ông ta là “tù nhân số 1” ở Nga và “kẻ thù chính” của Tổng thống Putin.

Nhiều chính khách phương Tây đã không ít lần đề nghị Tổng thống Putin phóng thích Khodorkovsky nhưng chỉ  các chính khách Đức thuyết phục thành công.

Theo ý kiến của các nhà phân tích, đó là vì Tổng thống Putin luôn luôn tôn trọng và có thiện cảm với người Đức, ông thông thạo tiếng Đức và đã từng hoạt động ở Đức trong hàng ngũ KGB.

Chiếc máy bay tư nhân chở Khodorkovsky từ Mátxcơva sang Berlin là do ông trùm công nghiệp Đức Ulrich Bettermann cung cấp. Theo báo chí phương Tây, Bettermann là tượng trưng cho mối quan hệ kinh tế chặt chẽ Nga- Đức và chính mối quan hệ này đã giúp Genscher, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức chinh phục được lòng tin của Tổng thống Putin.

Theo tờ báo Mỹ The Wall Street Journal, đích thân đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ đạo cuộc thương lượng giữa 2 cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức (chủ yếu là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hans-Dietrich Genscher) với Điện Kremli về việc phóng thích Khodorkovsky. Cuộc thương lượng kéo dài hai năm rưỡi. Tiến trình thương lượng phần lớn được giữ trong vòng tuyệt mật, ngay cả Khodorkovsky cũng không hề hay biết.

Vào năm 2011, các luật sư và cố vấn của Khodorkovsky bắt đầu tìm kiếm một nhân vật trung gian nào đó có thể thăm dò quan điểm của Tổng thống Putin về vấn đề này.

Họ may mắn tìm được một nhân vật vừa có thế lực lại vừa rất nhiệt tình trong việc phóng thích Khodorkovsky – đó là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Genscher.

Các nhóm luật sư của cả Khodorkovsky lẫn Genscher đều quyết định rằng Genscher sẽ tiến hành đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin bởi vì ở Nga, không một quyết định quan trọng nào có thể được chấp nhận nếu không được ông Putin tán thành. 

Ngay sau khi ông Putin tái đắc cử Tổng thống vào năm 2012, nữ Thủ tướng Đức Merkel giao cho các trợ lý của mình nhiệm vụ thu xếp cuộc gặp Genscher – Putin.

Ngày 1/6/2012, Putin và Genscher gặp nhau lần đầu tiên. Genscher tuyên bố Khodorkovsky đã trở thành yếu tố gây trở ngại cho việc nước ngoài đầu tư vào Nga và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Nga với phương Tây. Genscher nhấn mạnh là “đã đến lúc đưa câu chuyện này vào quá khứ” và lập luận rằng Khodorkovsky không còn là mối đe doạ đối với Putin nữa.

Trong cuộc gặp lần thứ hai vào đầu năm nay, Genscher đề xuất với  Putin một vài phương án pháp luật cho phép phóng thích Khodorkovsky trước thời hạn. Nhưng Putin đề nghị Genscher đến gặp Viện Công tố và tại đây, câu trả lời là không thể có chuyện phóng thích trước thời hạn được.

Nhưng rồi, sau những thắng lợi ngoại giao ở Syria và Ukraina, Tổng thống Putin trở nên tự tin hơn, có khoảng không rộng rãi hơn để hành động. Đồng thời, ông cũng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc cải thiện hình ảnh của nước Nga trên thế giới.

Cũng trong thời gian ấy, Khodorkovsky lo ngại sẽ diễn ra vụ án hình sự thứ ba đối với YUKOS, tức là ông ta sẽ phải ngồi tù thêm nhiều năm. Hơn nữa, bà mẹ ông ta lại ốm nặng và ông ta sợ sẽ không còn được gặp mẹ lúc bà còn sống.

Ngày 12/11, các luật sư của Khodorkovsky chuyển đến Khodorkovsky lời đề nghị của Genscher rằng,  ông ta nên viết đơn xin ân xá mà không cần nhận tội. Genscher cũng đề nghị ông ta viết một bức thư riêng cho Tổng thống Putin. Genscher gợi ý là trong thư, ông ta nên viện dẫn lý do mẹ ốm và cam kết với Putin là sẽ không hoạt động chính trị cũng như sẽ không đòi hoàn trả những khoản tiền đã bị tịch thu của YUKOS.

NGỌC THOA 
Theo The Wall Street Journal và Pravda.ru

Theo Báo giấy