Nghịch lý xếp hạng đại học tại Việt Nam

TP - Năm 2013, trong Quyết định điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học (ĐH) giai đoạn 2006 - 2020 của Chính phủ có đưa ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 1 trường ĐH Việt Nam được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đến nay, năm 2017, Việt Nam mới có 2 trường ĐH lọt top 200 châu Á và mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra từ cách đây 4 năm rất khó đạt được.
Bao giờ ĐH Việt Nam lọt top 200 thế giới?. Ảnh: Như Ý.

Ngày 26/10, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo xếp hạng và quản trị ĐH. Tại hội thảo, trong bài thuyết trình của mình, ông John Molony, trường ĐH Deakin, Australia dẫn lại câu nói của nhà thống kê người Anh George E.P. Box rằng: Thực tế, tất cả các mô hình đánh giá đều không đúng nhưng một số cũng có những điểm hữu dụng.

Theo ông John, hiện nay, trên thế giới có 3 tổ chức xếp hạng nổi tiếng đó là THE (Time hight education, Anh), tổ chức xếp hạng ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) và QS (tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds, Anh quốc). Ông John khẳng định Việt Nam chưa có trường ĐH nào trong xếp hạng toàn cầu của ba tổ chức trên.  Năm 2017, mới chỉ có 5 trường ĐH của Việt Nam lọt top 500 của châu Á, trong đó, hai ĐH quốc gia lọt top 200.

Chia sẻ với Tiền Phong bên lề hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết xếp hạng ĐH là việc cần làm. Vì nó sẽ đưa ra điểm yếu, điểm mạnh của từng trường, những thứ cần cải tiến giống như kiểm định chất lượng. Nhưng ở mỗi nước tiêu chí đánh giá phải phù hợp. Sở dĩ Việt Nam  có rất ít các trường nằm trong bảng xếp hạng của châu Á cũng như của thế giới vì tiêu chí đưa ra phù hợp với các nước phát triển, không phù hợp với trường ĐH ở Việt Nam. Một số trường của Việt Nam “tự xưng” nghiên cứu nhưng nếu đánh giá đúng mức về ĐH nghiên cứu thì Việt Nam gần như chưa có.

“Gần như 80% bài báo được đăng trên các tạp chí có uy tín về nghiên cứu khoa học trên thế giới của Việt Nam là của các nghiên cứu sinh đi nước ngoài, nhờ các phòng thí nghiệm tại các trường, đứng tên chung với các giáo sư hướng dẫn nước ngoài. Trong số này, có nhiều nghiên cứu sinh có tỷ lệ đăng bài lớn nhưng về Việt Nam xuống dần xuống dần. Vì ở Việt Nam không có “đất” để viết tiếp”, PGS Đỗ Văn Dũng nêu thực trạng.

Không những thế, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng hiện nay, ở Việt Nam đang có hiện tượng là các trường “mượn” giảng viên của nhau để tăng bài báo khoa học. “Tại trường tôi, vừa qua có một giảng viên ăn lương của trường, làm việc cho trường nhưng bài báo khoa học lại đứng tên trường khác. Khoa phát hiện ra nên giảng viên này xin thôi việc. Tôi nghĩ, hiện tượng này không hiếm. Nhưng việc làm như thế không bền. Vì cuối cùng vẫn là chất lượng đào tạo chứ không phải chỉ là bài báo nghiên cứu khoa học” - PGS Đỗ Văn Dũng nói.

Khó có thể lọt top thế giới

Cũng chia sẻ thêm về xếp hạng, PGS Đỗ Văn Dũng cho hay, hiện Việt Nam đang tồn tại hai nghịch lý. Ở mỗi nước, hệ thống giáo dục ĐH phải  phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực của nước đó. Trong những năm qua, Việt Nam phát triển bằng cách thu hút nguồn đầu tư nước ngoài là chính. Họ đến đầu tư tại Việt Nam nhưng chủ yếu tận dụng nguồn lao động giản đơn, lao động phổ thông, nhân công giá rẻ.

Ngay cả các khu công nghệ cao như  khu công nghệ cao TPHCM, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đa phần sử dụng lao động phổ thông. Một số  kỹ sư chỉ để quản lý dây chuyền kỹ thuật, gần như không có yếu tố nghiên cứu mới. Vì khi đưa những cái mới vào đất nước đang phát triển rất dễ bị đánh cắp bản quyền nên các doanh nghiệp đặt mỗi nước một khâu trong sản xuất. Chính vì lẽ đó, ở Việt Nam không có các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Không có các trung tâm đó thì các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu đào tạo sinh viên ra trường đi làm cho nước ngoài. Nếu muốn phục vụ cho nền kinh tế của Việt Nam hoặc phải chuyển ngành hoặc thất nghiệp. Do đó, nghịch lý ở chỗ xếp hạng càng cao thì sinh viên không có chỗ làm trong nước, lại thất nghiệp, các trường không thu hút được người giỏi vào nghiên cứu.

 “Ví dụ như lĩnh vực công nghệ sinh học. Nhiều năm qua, ngành này đã thu hút được một lượng lớn người học có đầu vào cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một vài trung tâm nghiên cứu trọng điểm về gen và tế bào gốc. Sinh viên ra trường thất nghiệp nên mấy năm nay tụt dần. Nghịch lý xếp hạng của Việt Nam ở chỗ đó. Nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam đang không có nhu cầu theo hướng nghiên cứu. Vì kinh tế phát triển theo hướng lắp ráp, theo hướng sản xuất thì sẽ cần kỹ sư công nghệ”- PGS Đỗ Văn Dũng cho hay.

Mặt khác các trường ĐH của Việt Nam cũng khó xếp hạng vì cơ cấu ngành nghề trong một trường có một số theo định hướng nghiên cứu, nhưng có một số theo hướng công nghệ.

Hơn nữa, theo PGS Đỗ Văn Dũng, trong quy định về phân tầng ĐH có yêu cầu trường ĐH nghiên cứu phải có ít sinh viên, cụ thể 15 sinh viên/giảng viên. Với học phí theo Nghị định 86 là 10 triệu đồng/sinh viên/năm thì với 15 sinh viên, nhà trường thu được 150 triệu đồng học phí. Để sống được giảng viên phải thu nhập ít nhất 10 - 15 triệu đồng, tức là khoảng 120 triệu đến 180 triệu đồng/năm. Vậy riêng học phí của 15 sinh viên đó nộp không đủ nuôi một giảng viên, chưa nói kinh phí đầu tư cho những thứ khác. Hiện nay, giảng viên kiếm sống chủ yếu là 90% bằng giảng dạy, không có thời gian để nghiên cứu.

Nghịch lý thứ hai, hệ thống kinh phí phục vụ cho nghiên cứu ở các nước chính phủ và doanh nghiệp đầu tư rất nhiều, còn ở Việt Nam chưa làm được việc đó. “Các trường làm đề tài cấp bộ, cấp nhà nước tôi cho rằng 70 - 80% đề tài làm xong xếp xó. Mặc dù có đấu thầu đấy, nhưng hiệu quả không cao” - PGS Dũng cho biết. Ở các nước, ĐH tự chủ nhưng nhà nước vẫn đầu tư trọng điểm. Còn ở Việt Nam tự chủ của Việt Nam là do hết tiền.

Chính vì những nghịch lý trên nên PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định đến năm 2020, ĐH Việt Nam khó lọt top thế giới. Tuy nhiên, theo ông John Molony, thì các  trường ĐH của Việt Nam hoàn toàn có  đủ yếu tố để có thể tham gia xếp hạng theo ngành. Còn bà Joanna Wood, tham tán  Australia tại Việt Nam thì cho hay ở Australia, ngân sách của nhà nước dành cho các cơ sở giáo dục ĐH vẫn đóng vai trò quan trọng cho ĐH phát triển.

Cụ thể, 40% nguồn thu của các trường là từ nguồn tài trợ của chính phủ, 18% là từ nguồn vay của sinh viên đi học (vẫn là tiền của Chính phủ). Như vậy, riêng nguồn kinh phí của chính phủ chiếm tới 58%. Ở Việt Nam, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng tỷ lệ lý tưởng nhất là 50 - 50, tức nhà nước tài trợ khoảng 50% nguồn thu cho trường thì chất lượng giáo dục ĐH sẽ khác.

“Gần như 80% bài báo được đăng trên các tạp chí có uy tín về nghiên cứu khoa học trên thế giới của Việt Nam là của các nghiên cứu sinh đi nước ngoài, nhờ các phòng thí nghiệm tại  các trường, đứng tên chung với các giáo sư hướng dẫn nước ngoài. Trong số này, có nhiều nghiên cứu sinh có tỷ lệ đăng bài lớn nhưng về Việt Nam xuống dần xuống dần. Vì ở Việt Nam không có “đất” để viết tiếp”.

PGS Đỗ Văn Dũng