Cách đây khoảng 8 tháng, Nguyễn Đông được một người phụ nữ ở Hà Nội thuê vẽ chân dung bằng sơn dầu cho con gái nhỏ của chị. Công việc hoàn thành, anh nhận đầy đủ kinh phí. Sau đó 3 tháng, anh cho phép một bạn nữ cùng quê chuyển thể sang tranh lụa làm bài chuyên khoa ở Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Cách đây khoảng hơn 1 tháng, anh lại thấy trên trang của Nhà đấu giá “Chọn” hình ảnh bức tranh lụa của cô bạn kia, ngạc nhiên là tranh có chữ ký của cố họa sỹ Vũ Giáng Hương, tác phẩm mang tên mới “Con gái nhà văn Dương Thu Hương”.
Quanh sự việc này, nhà đấu giá “Chọn” nhận nhiều “gạch đá” hơn cả. Không ít người châm biếm: “Chọn” hàng giả mới đích thị là tên của nhà đấu giá, vì lùm xùm đang xảy ra không phải lần đầu. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng bình luận thể hiện thái độ phẫn nộ sau khi đọc dòng trạng thái giãi bày của họa sỹ trẻ Nguyễn Đông trên facebook. Ông cũng công khai lên tiếng trên báo chí, cho rằng đây là vụ tranh giả dễ truy tìm thủ phạm nhất từ trước tới nay, nên đưa ra pháp luật…. Nhưng xem chừng câu chuyện khó đi theo hướng Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam mong muốn, khi những người có liên quan chỉ tranh luận suông.
Tuy nhiên, xung quanh lùm xùm tranh giả lần này, không ít người nhận ra một bộ phận họa sỹ Việt còn kém ý thức và thiếu chuyên nghiệp.
Có người đặt câu hỏi: Khi họa sỹ trẻ cho phép bạn nữ cùng quê chép tranh của mình, đã có sự đồng ý của vị nữ khách hàng thuê anh vẽ chân dung con gái mình chưa? Họa sỹ được quyền công nhận tác phẩm là do mình lao động và sáng tạo ra nhưng các quyền sở hữu khác thì thế nào? Tác giả có được quyền sao chép các bản khác để sử dụng mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận mà không cần có sự đồng ý của gia đình? Nếu có lợi nhuận có phải chia cho người thuê vẽ ?
Thậm chí có ý kiến gay gắt: Một họa sỹ có tâm với nghề mà lại cho người khác chép tranh của mình và hơn thế anh chỉ là người vẽ thuê. Chính họa sỹ trẻ cũng là người tiếp tay cho nạn tranh nhái, tranh giả, làm ảnh hưởng đến nền mỹ thuật nước nhà, cũng là tự đập dần niêu cơm của chính mình. Nên rút kinh nghiệm ngay từ đây. Ý kiến khác: Một bài chuyên khoa phải mang tính chất sáng tác không được phép chép tranh của người khác, cho nên lỗi đầu tiên thuộc về họa sỹ trẻ và bạn nữ đã chép tranh…
Nghệ thuật vốn dĩ là “sáng tạo những gì chưa có”. Bản thân người nghệ sỹ không nên vẽ lại tác phẩm của chính mình, chưa nói là mang cho người khác chép lại, để rồi mất kiểm soát, làm rối loạn thị trường tranh, vốn đã lắm điều tiếng ở ta.
Có người đưa ra ý kiến: Nhà đấu giá nên phối hợp với hãng bảo hiểm để người sưu tập tranh được bảo hiểm nếu mua phải tranh giả. Thế thì bảo hiểm nào cho người mua phải tập sách có thơ “nhái”, bảo hiểm nào cho khán giả thưởng thức những tác phẩm sân khấu mang tiếng “đạo”? Lại vừa có một vị đạo diễn tố thí sinh chương trình “kịch cùng bolero” đạo tác phẩm. Những câu chuyện đạo, nhái vốn là chuyện thường ngày trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật ở ta, có thể đây là gợi ý tốt cho ngành bảo hiểm?!