Chia sẻ tri thức tới cộng đồng
Không gian đọc Hy vọng - thư viện cộng đồng của Đỗ Hà Cừ (SN 1984) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người yêu đọc sách ở thành phố Thái Bình. Hy vọng có hơn 4.000 đầu sách, rất đa dạng từ truyện thiếu nhi đến sách tham khảo phổ thông, tiểu thuyết, sách lịch sử... Đặc biệt, ở đó còn có “cuốn sách sống” về nghị lực mang tên Đỗ Hà Cừ.
Mang di chứng chất độc da cam dioxin, từ bé Cừ bị liệt, cơ thể co quắp. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều phải có người thân hỗ trợ. Không thể đến trường, cậu được mẹ kiên trì dạy học và đến năm 15 tuổi mới thông thạo mặt chữ. Bà Nguyễn Thị Kim Sơn - mẹ Cừ cho biết: “Sau khi biết mặt chữ, tôi dạy cho Cừ mỗi ngày một câu thơ lục bát dễ nhớ để biết ghép chữ, dần dần đọc được những mẩu truyện ngắn, sách dài kỳ đủ các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý... Càng đọc nhiều, Cừ càng thích sách. Để cho Cừ dễ dàng hơn trong việc giao tiếp, tiếp xúc với bạn bè, gia đình mua máy vi tính cài đặt bàn phím ảo”.
Qua internet, Cừ liên hệ, vận động được một số tổ chức, cá nhân ủng hộ sách, báo. Tháng 7/2015, Cừ thành lập không gian đọc Hy vọng với 300 đầu sách đặt ở góc phòng khách. Cừ cho biết, mở không gian đọc Hy vọng với mong muốn chia sẻ tri thức và tình yêu đọc sách với những người khác. Đồng thời có thêm điều kiện giao lưu, kết bạn với nhiều người. “Hồi nhỏ khi bố mẹ đi làm phải ở nhà một mình, tôi từng rất buồn và phải tưởng tượng ra một người bạn để nói chuyện. Việc mở ra không gian đọc này, tôi tin rằng quá khứ đó sẽ không lặp lại lần thứ hai với mình”, Cừ chia sẻ.
Không gian đọc của Cừ ngày càng được nhiều người tìm đến đọc, chia sẻ và đàm đạo về những cuốn sách hay. Sau ba năm thành lập, Hy vọng đã có hơn 6.000 lượt người đọc. Bên cạnh mở rộng không gian sách phục vụ những người yêu sách quê nhà, Đỗ Hà Cừ còn tích cực lan toả tình yêu sách; vận động, hỗ trợ hình thành 3 không gian đọc tại Thái Bình và Hải Dương.
Không chỉ đam mê đọc sách, Cừ còn làm thơ, đến nay đã có hơn 100 bài và được mẹ ghi lại. Cừ và mẹ còn đang hoàn thành tập tự truyện kể về hành trình vượt lên nghịch cảnh và xây dựng không gian Hy vọng.
Khát vọng khẳng định bản thân
Nguyễn Minh Luân (SN 1999), sinh viên Đại học Studencheskaya Ulitsa, Moscow (Nga), là một trong số 200 đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất năm 2018 do T.Ư Đoàn tổ chức. Tại Diễn đàn, Luân đã chia sẻ về chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phổ cập STEM cho người khuyết tật. “Những người khuyết tật có sự tự ti, thiếu niềm tin nhưng cũng chính họ là những người nỗ lực và kiên trì nhất với mục tiêu của mình. Việt Nam có 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% nguồn nhân lực Việt Nam. Chính vì vậy không thể không tính đến đóng góp của họ cho nền kinh tế. Đó cũng là lí do cần phải quan tâm tới giáo dục STEM dành cho người khuyết tật ở Việt Nam”, Luân chia sẻ.
Luân quan tâm đến nhiều vấn đề của người khuyết tật là do lúc nhỏ, cậu bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não. Đến tuổi đi học, gia đình cho đi học cũng chỉ để “con vui, đến lớp cho đỡ tủi thân”, nhưng cậu không nghĩ thế. Không chỉ học giỏi thi đỗ vào trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Huế), Luân còn tham gia nhiều hoạt động sáng tạo. Luân là đồng tác giả của sản phẩm Robot tuần tra, giúp phát hiện các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lề đường và phát tín hiệu cảnh báo giúp cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý. Đặc biệt, với sản phẩm Thiết bị định vị bầu trời và tích hợp tri thức phục vụ giáo dục và nghiên cứu thiên văn học của nhóm Luân đã đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 và Huy chương Bạc trong Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ - IEYI 2017 tại Nhật Bản.
Hiện Luân theo học ngành marketing và phân tích thị trường Đại học Studencheskaya Ulitsa, Nga. Với Luân, du học là cơ hội để bản thân có thêm những trải nghiệm mới.