QUÁN QUÂN SAO MAI VÀ THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
Sau giải Quán quân nhạc nhẹ Sao Mai 2015, Quán quân Sing My Song Online 2016, Hoàng Hồng Ngọc lại chuyên tâm vào sáng tác và sản xuất cho các ca sĩ khác. Những bài được biết đến của Ngọc có thể kể đến: Tôi tự hào là tương lai Việt Nam, Sen, Xin chào Hà Nội của tương lai, Yêu anh- người lính, Sứ mệnh trái tim… Cô cũng thường chỉ hát những bài do chính mình sáng tác cùng một ban nhạc hoành tráng với cả dàn kèn. Cùng ban nhạc này, cô từng đoạt Á quân Ban Nhạc Việt 2017.
Nhưng rồi COVID-19 đến, không thể nuôi được ban nhạc biên chế tới gần 20 người, Ngọc nghĩ đến chuyện rút bớt biên chế, đổi tên thành Simple Brass. Sản phẩm đầu tiên của cô và Simple Brass là MV Xuân khải hoàn. Vẫn tiếp tục được đầu tư công phu về hình ảnh như nhiều MV trước đây. Ít ai biết ca sĩ đã phải dốc túi để sản xuất một lúc 3 MV cho ban nhạc. Cô cũng khuyến khích các thành viên phấn đấu để có thể tự phối khí, sáng tác… để giảm chi phí đồng thời khẳng định cá tính của ban nhạc lấy kèn làm chủ đạo.
Đại dịch có thể nói là bản lề trong cuộc sống của Ngọc. “Hai năm qua, tôi bắt đầu biết đến sách vở. Trước đó, sách trong nhà tôi để làm màu hoặc phục vụ thi cử”, cô thú nhận. Bắt đầu từ một cuốn Hạnh phúc đích thực của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được bà cụ hàng xóm cho, từ đó trong nhà cô cứ đầy lên các cuốn cùng tác giả mà cô thậm chí chẳng phải mua. Năm 2014, Ngọc “vô tình” quy y tại một ngôi chùa Việt ở Nga nhân một lần lưu diễn. Nhưng rồi cô cũng lãng đi, chỉ thấy từ đó mình may mắn như việc “không hiểu sao lại giành Quán quân Sao Mai”.
Thời gian giãn cách, Ngọc thử ăn chay và thấy hợp, tự đọc và học hỏi để phát triển bản thân. “Năm ngoái tôi không mất một đồng xem bói cúng bái nào. Giờ tôi đi theo cảm nhận trực giác thay vì nghe người khác nói”, Ngọc nói. Cô bắt đầu biết cách mở rộng tâm thức để đón nhận những thông điệp của cuộc sống. Chẳng hạn việc vượt qua nỗi sợ không có tiền để đầu tư cho ban nhạc chẳng hạn.
Xuân khải hoàn chính là bài Hoàng Hồng Ngọc viết sẵn để chừng nào “thắng COVID” mọi người sẽ có cái để nghe, để hát. Bài hát kết hợp với những lời rap của DJ Tulic: “Năm nay cô-Vy, thanh xuân qua đi/ Bao nhiêu âu lo chút gánh nặng trĩu buồn còn đọng lại ở trên mi/ Nhưng không hoang mang/ Mưa giông đang tan/ Chân ta vững bước về phía trước/ Vì Tổ quốc luôn luôn cần những ý chí thật hiên ngang… Năm mới đã sang, hạnh phúc ngập tràn/ Mong cho cuộc sống được bình an”.
NHẠC TRẦN TIẾN BÁN CHẠY
Sau khi phát hành album nhạc Trần Tiến Về đi em, ca sĩ Bách Nguyễn tự nhiên đắt sô hẳn lên, ngày chạy 2 đài truyền hình là bình thường. Tất nhiên đến đâu anh cũng được yêu cầu hát Mùa xuân gọi hay Về đi em. Chính Bách cũng ngỡ ngàng: “Tôi cũng không nghĩ là nhạc Trần Tiến được thích nhiều đến thế”.
Bách cho hay anh đã ấp ủ hát Trần Tiến cho đĩa nhạc đầu tay cách đây 6-7 năm trước. Nhất là sau khi anh hát Mẹ tôi, Ngẫu hứng phố… trong những lần đi diễn cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long hay chương trình thiện nguyện được mọi người cổ vũ, khuyến khích. Vì nghĩ mình lính mới, Bách chỉ dám in 1.000 đĩa, ai dè bán hết sau hai ngày.
Anh cũng hay nhận được những cuộc điện thoại của nhạc sĩ Trần Tiến trong đó ông dành nhiều lời ngợi khen cho giọng hát phủi phủi, nhựa nhựa của mình. Nhạc sĩ thậm chí còn khẳng định: "Nhiều người hát rồi, chính Bố cũng hát rồi, nhưng con hát mới đúng là Trần Tiến". Mặc dù hai người chưa gặp nhau nhưng Bách cảm giác đã thân thiết với ông từ bao giờ. Ra Tết anh tính lên đường vào Vũng Tàu để gặp nhạc sĩ. Nhạc sĩ cũng hẹn hò: “Bao giờ bố ra Hà Nội phải gặp con bằng được”… Họ cũng đang bàn nhau để khai thác kho tàng của Trần Tiến mà theo tác giả mới chỉ 20% được phát lộ.
Bách có khá nhiều dự tính cho năm mới, ngoài tiếp tục hát nhạc “bố Tiến” là đĩa nhạc tình song ca với Minh Thu và tất nhiên phải cho tái bản album Về đi em ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Sinh năm 1977, Bách Nguyễn có vài điểm tương đồng với nhạc sĩ Trần Tiến: cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cũng học hành dở dang, ngày nhỏ cũng từng lang thang. Năm 16 tuổi, Bách đưa một người bạn đến Nhạc viện thử giọng. Trong khi bạn nhát không dám hát thì giọng của Bách đã lọt tai NSND Trần Hiếu. Nhạc sĩ Trần Tiến cũng từng có thời gian công tác tại Đoàn Ca múa Hà Nội, giờ là Nhà hát Thăng Long nơi Bách đầu quân.
HAI NĂM CHO MV XẨM - GIAO HƯỞNG
Tân Nhàn chia sẻ, để làm một album làm mới nhạc chèo Níu dải lụa đào cô cũng chỉ mất một năm, kể cả thời gian học hỏi các nghệ nhân dân gian như cũng chỉ mất một năm. Trong khi đó, MV Công cha ngãi mẹ sinh thành được thực hiện suốt hai năm. Riêng phần hòa âm phối khí của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh mất nửa năm. Trong đó anh tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu chứ không phải vì bận nhiều việc khác. Đồng Quang Vinh chia sẻ: “Giọng Tân Nhàn ở âm khu cao như tiếng người mẹ, tiếng đàn cello của Đinh Hoài Xuân ở quãng thấp như tiếng cha. Đây cũng là sự kết hợp của Đông và Tây, Âm và Dương. Đứa con là sự kết tinh của những yếu tố tuyệt vời nhất từ hai vế này”.
Tân Nhàn mô tả trong tổng thể âm nhạc của Công cha ngãi mẹ sinh thành, người nghe sẽ cảm nhận thấy rất rõ không gian âm nhạc ngũ cung đặc trưng của âm nhạc truyền thống, phảng phất tiếng mõ tụng kinh, hòa quyện với âm nhạc giao hưởng phương Tây, bao gồm cả nét nhạc của J.S.Bach và A.Vivaldi. Đồng Quang Vinh muốn kết hợp những chiều không gian âm nhạc khác nhau, và có thể lay động được mỗi người ở bất cứ đâu trên thế giới.
Đạo diễn Trần Xuân Chung ban đầu định làm MV trong 3 tháng, nhưng cuối cùng đã lên tới hơn 1 năm để hoàn thiện. MV hội tụ những truyền thuyết nổi bật của người Việt, những họa tiết, hoa văn đặc trưng của thời Lý, và điểm nhấn là chất liệu đồ họa theo lối tranh sơn mài tạo nên dấu ấn khác biệt. Trong thời gian tới, Tân Nhàn có kế hoạch nghiên cứu, tìm hiểu dân ca của các nước để học hỏi và tiếp tục tìm khai mở thêm những hướng đi mới mẻ trong nỗ lực góp phần phát triển, lan tỏa âm nhạc truyền thống. “Âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam rất đặc sắc, rất đẹp, chúng ta cần quảng bá nhiều hơn với thế giới. Đó cũng là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam”, Tân Nhàn chia sẻ.