Đến từ sáng sớm cùng những đồng đội Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Bình tâm sự, khi xem những sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hôm nay chị như ngược thời gian trở về quá khứ, được về với quê hương, hồn Việt qua những sản phẩm gốm của đồng bào. "Tôi quê Hà Nội nhưng vào TPHCM lâu rồi. Tham dự buổi chuyên đề hôm nay giúp tôi hiểu hơn về nguồn gốc của gốm, cách bà con mình làm ra những sản phẩm gốm như thế nào, được chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá trưng bày tại đây. Tôi ấn tượng với bức hình nội dung cúng tổ Nghề gốm Bàu Trúc ", Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Bình nói.
Chị Lý Thị Hoài An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận 10 say sưa ngắm sản phẩm gốm Bàu Trúc.
"Các sản phẩm được làm bằng gốm từ lâu đã trở thành hàng hóa thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của cư dân miền Nam, nhất là vùng miền Đông, Tây Nam Bộ. Từ xưa, những sản phẩm nồi, lu, hũ, khạp, đèn, tô, chén, muỗng, đĩa, khay trà, lư hương… đã trở nên quen thuộc, hiện diện trong cuộc sống mỗi nhà, gắn liền với công việc nội trợ của những người phụ nữ; sản phẩm làm ra không chỉ dùng trong cuộc sống mà còn để bán ở chợ, các đô thị, thị trấn trong vùng và những địa phương lân cận", ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Giám đốc bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phát biểu tại lễ khai mạc.
Nét đặc trưng của ba chất liệu. Từ trái qua: Đất sét vùng Ninh Thuận, đất sét Bình Dương, đất sét An Giang.
"Tiếng nói của Đất" nhằm giới thiệu đến công chúng nghề làm gốm truyền thống của người Việt ở Bình Dương, làng gốm Phnôm Pi của đồng bào Khmer ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và làng gốm truyền thống Bàu Trúc của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Tại đây, người dân không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo làm từ gốm mà còn hiểu hơn về quá trình làm ra sản phẩm, đặc biệt là những hiện vật có giá trị lịch sử thu hút đông đảo khách tham quan. Có thể kể đến như bình đựng nước gốm Lái Thiêu thế kỷ 20, tô chiết yêu được sản xuất những năm 1930-1940, lòng trong ghi 6 chữ "Lai ngọc thành/Phước đức tụng" do nhà sưu tập Lê Nhân Kiệt tặng bảo tàng hay thố đựng cơm của tiệm cơm "Chuyên Ký" đường Tôn Thất Đạm (quận 1) - khai trương và hoạt động từ năm 1948 đến nay, thố được nhà sưu tập Đỗ Tam Quốc tặng lại bảo tàng.
Thuyết minh viên Nguyễn Hà Thanh Trúc bị cuốn hút bởi nét đẹp của gốm Bình Dương.
Thanh Trúc tạo dáng trước mô hình cửa lò gạch ở Bình Dương.
Ở mỗi lò gạch Bình Dương đều có ban thờ rất chỉn chu.
Chiếc bình nước treo tường kiểu dáng sáng tạo, bắt mắt. Mẫu thiết kế này khá hiện đại, sống hoài theo năm tháng. Có thể thấy từ hàng thế kỷ trước, khả năng sáng tạo và óc thẩm mỹ của người dân đã rất phát triển.
Các mảng màu của chiếc ống đũa treo tường cuốn hút mọi ánh nhìn của khách tham quan.
Tâm của chiếc đĩa trên khay trà không cân đối, toát lên giá trị của nghệ thuật từ những đôi tay tài hoa tạo tác trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nếu xét đến đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mỗi một sản phẩm đều độc bản, giúp người dùng thể hiện đẳng cấp của mình.
Chiếc
ấm xách nước là vật dụng được người nông dân xưa mang theo mỗi khi ra đồng. Chiếc ấm xách nước hình dáng khá đẹp và lạ với màu men xanh ngọc. Theo anh Nguyễn Hữu Long Trì, một nhiếp ảnh gia cho hay, chiếc bình xách nước màu xanh ngọc khá ấn tượng không chỉ bởi màu sắc mà còn bởi hình dạng khác với kiểu thông thường và còn có quai xách trông hơi lạ.
Chiếc bát lòng nhỏ, miệng loe còn có tên gọi là bát chiết yêu, từng được sử dụng khá phổ biến trong đời sống hằng ngày của người Việt. Theo một số nhà nghiên cứu, “chiết yêu" có nghĩa là gãy ở lưng. Bát chiết yêu là bát có chỗ thắt vào ở ngang hông, chia bát làm hai phần rõ rệt. Ngày nay, ít ai còn biết rằng nguyên thủy nó được gọi là bát thủy tiên, vì làm ra với hình dáng như vậy để trồng thủy tiên.
Bếp cà ràng là bếp củi đặc trưng của đồng bào Khmer và bà con vùng ĐBSCL. Gốm Khmer Tri Tôn – An Giang lại mang trong mình chất dân dã, bình dị và là hiện thân cho nền văn hóa Khmer. Phụ nữ là những người nắm giữ các kĩ thuật làm gốm, và do đó nghề chủ yếu là do mẹ truyền dạy. Về kiểu dáng sản phẩm gốm Khmer được làm thủ công, thô sơ, đơn giản, không cầu kì về hoa văn, kiểu cách.
Dựa vào sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ, hình ảnh cái om (nồi đất) gắn liền sinh hoạt của con người, ngày càng được tái hiện sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những nữ nghệ nhân Khmer. Thời hưng thịnh, các sản phẩm của gốm Tri Tôn, An giang có mặt khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xuất sang Campuchia và các nước lân cận.
Chiếc choé của gốm Lái Thiêu hơn trăm năm trước.
Thố đựng cơm của tiệm cơm "Chuyên Ký" đường Tôn Thất Đạm (quận 1) - khai trương và hoạt động từ năm 1948 đến nay, thố được nhà sưu tập Đỗ Tam Quốc tặng lại bảo tàng.
Chia sẻ tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc bảo tàng bày tỏ, triển lãm mong muốn làm sống lại các chặng đường phát triển của các làng nghề gốm Nam Bộ đồng thời tôn vinh những người phụ nữ với óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, đã gửi gắm tâm huyết tình cảm của mình nhằm đem đến cho đời những sản phẩm gốm độc đáo đáp ứng được nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho công chúng. "Sự ẩn chứa tâm hồn của con người qua các sản phẩm từ đất, là những cung bậc cảm xúc mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ muốn mang đến cho người xem, đồng thời mang thông điệp quảng bá, bảo tồn các làng nghề gốm truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp bình dị, mộc mạc trong lao động hàng ngày của người phụ nữ Việt Nam", Giám đốc bảo tàng cho biết
Phạm Nguyễn