TPO - Ở một góc chợ thành phố Hà Tĩnh, có những người thợ cặm cụi sửa các đôi giày, dép cũ. Với họ, nghề làm đẹp cho giày dép không chỉ để mưu sinh mà họ còn làm vì niềm đam mê và yêu thích.
Những người thợ làm nghề sửa giày tại chợ Hà Tĩnh. Clip: Hoài Nam
Những tiệm sửa giày này nằm khép mình ở một góc chợ thành phố Hà Tĩnh. Hàng ngày, nhóm thợ vẫn cặm cụi với nghề làm đẹp cho giày dép. Ở đây không chỉ sửa, mà công việc này cũng được xem là nghề... "cứu" giày cũ.
Bà Trần Thị Lan (SN 1961) có gần 30 năm làm nghề sửa giày dép. Hàng ngày, tiệm của bà Lan mở cửa từ 7h rồi đóng cửa lúc 18h cùng ngày. Bà Lan cho biết có những ngày cao điểm sửa trên 10 đôi giày, đôi dép, đặc biệt đông nhất là vào dịp Tết.
Trung bình, người thợ gần 30 năm sửa giày có thể kiếm được từ 200.000-500.000 đồng/ngày. Lúc cao điểm như cuối tuần hay dịp lễ, Tết, thu nhập nhiều hơn nhờ nhu cầu từ khách hàng tăng cao.
Đồ nghề chỉ là chiếc hộp nhỏ với cái kéo, cái đục, các loại đinh, ốc vít, dao, kéo... Nhưng ngần ấy đã đủ để bà Lan “biến” đôi giày hỏng của khách trở lại mới như xưa.
“Bình thường mỗi đôi giày, đôi dép tôi phải mất khoảng 20 phút - một tiếng đồng hồ để sửa, làm mới. Tiền công từ 20.000-70.000 đồng tùy theo mức độ hư hỏng và thời gian sửa. Với những lỗi nhỏ như khâu lại đường chỉ, thu ngắn quai dép, với khách quen tôi có thể làm miễn phí. Nghề không kiếm quá nhiều tiền, nhưng cho thu nhập ổn định”, bà Lan chia sẻ.
Qua bàn tay khéo léo, những đôi giày, dép cũ bị hư hỏng đều được sửa chữa, làm mới theo ý của khách hàng.
Ông Lê Văn Khánh (SN 1958) cũng làm nghề sửa giày dép gần 30 năm tại chợ thành phố Hà Tĩnh. Ông Khánh cho biết công việc này tuy không nặng nhọc như nghề xây dựng, song đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và bàn tay khéo léo.
Mỗi đôi giày, đôi dép đưa đến tiệm có mức độ hư hỏng khác nhau. Khi "bắt được bệnh", người thợ trao đổi với khách hàng, sau đó thực hiện sửa.
"Có những người, xách đôi giày cũ lắm rồi, sửa cũng không mang nổi nữa nhưng họ nói bao nhiêu tiền họ cũng sửa. Bởi đó có thể là món quà kỷ niệm họ muốn lưu giữ. Công việc sửa giày như là bộ môn nghệ thuật. Nhìn tưởng là đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận", ông Khánh chia sẻ.
Hàng chục năm gắn bó với nghề, bàn tay ông Khánh cũng trở nên thô ráp, sần sùi. Mỗi công đoạn sửa giày được người thợ làm cẩn thận qua từng khâu.
Với những người thợ, nghề làm đẹp cho giày dép không chỉ để mưu sinh mà họ còn làm vì niềm đam mê và yêu thích.