Ngày cuối cùng xét tuyển: Vẫn vắng hoe

TP - Đến ngày cuối thời hạn tuyển sinh bổ sung nhưng không ít trường ĐH, CĐ tại miền Trung vẫn “vắng hoe” thí sinh, nhiều ngành học phải đóng cửa.

> Nhiều ngành học nguy cơ đóng cửa
> Nhiều trường không có người học

Thí sinh dự thi Đại học. Ảnh minh họa.

Sáng 30-11, ông Nguyễn Xuân Đông, Phó hiệu trưởng ĐH Phan Chu Trinh (Hội An, Quảng Nam) cho biết: Trường vừa quyết định tạm ngưng tất cả các ngành đào tạo bậc ĐH vì không tìm đâu ra hồ sơ đăng ký học.

Kỳ tuyển sinh 2012, trường ĐH này được tuyển sinh trở lại với 500 chỉ tiêu cho 8 ngành bậc ĐH, gồm các khối A,A1,D1, D4,C với điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ. Đây cũng là năm đầu tiên, ĐH Phan Chu Trinh mở thêm các mã ngành đào tạo bậc CĐ với hàng trăm chỉ tiêu.

Tuy nhiên, những tháng đầu tuyển sinh, trường chỉ có chưa đầy 100 bộ hồ sơ đăng ký, tập trung chủ yếu cho các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ.

Trong đó khoảng 40 thí sinh trúng tuyển. Các hồ sơ trúng tuyển rải rác ở các ngành nên rất khó mở lớp, đành đóng cửa tất cả các ngành bậc ĐH.

Riêng bậc CĐ tại trường này, theo ông Võ Quang Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, thì cũng chỉ có được 2 lớp tiếng Anh, tiếng Trung với số lượng ... 14 em trúng tuyển, theo học.

“Hiện trường cầm cự xây dựng các ngành bậc CĐ và tập trung đào tạo cho hơn 200 sinh viên năm cuối của khóa học 2008-2012. Với tình trạng này, trường chắc sẽ phải thu hẹp quy mô, đội ngũ giảng viên để giảm bớt khó khăn”, ông Vinh nói.

Tại Đà Nẵng, nhiều trường khép sớm chương trình tuyển sinh trước thời hạn dù chưa đủ chỉ tiêu.

PGS.TS Nguyễn Tấn Quý, Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cho hay: Trường thiếu khoảng 40 hồ sơ so với tổng chỉ tiêu, nhưng vẫn tiến hành tổng khai giảng sớm vì xu thế tuyển sinh khá khó. ĐH Đà Nẵng thông báo xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung vào ĐHSP phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum.

Tuy nhiên, đến thời hạn cuối tuyển sinh (30-11), theo TS. Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng: Đơn vị chỉ nhận trực tiếp hơn 50 hồ sơ xét tuyển.

Số còn lại hi vọng vào các hồ sơ thuộc diện hộ nghèo, ưu tiên (nộp về Sở GD&ĐT các địa phương, chưa tổng hợp - PV) nhưng số lượng này dự báo cũng rất hạn chế.

PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận định: Năm nay thí sinh trên điểm sàn theo thống kê của Bộ rất nhiều nhưng không hiểu một số trường vẫn khó tuyển sinh. Vậy thí sinh đi đâu?

Có thể do thí sinh trên điểm sàn nhưng không đỗ ngành học đăng ký nên không lựa chọn những ngành học khác, trường khác.

Theo Báo giấy