Lúc 8 giờ ngày 12/1, các cầu thủ là những bị can được tại ngoại gồm Văn Quyến, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh đã có mặt ở trụ sở TAND TPHCM nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trước đó, tại trại giam, Tấn Hải và Quốc Vượng cũng đã được tống đạt quyết định này. Ngày 25/12, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố Trương Tấn Hải (cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn) và Lê Quốc Vượng (cựu tuyển thủ U23 quốc gia) về hai tội “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”.
Riêng nhóm Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh được miễn truy tố trách nhiệm hình sự tội “đánh bạc” mà chỉ bị cáo buộc tội “tổ chức đánh bạc”.
Theo cáo trạng, khi đội tuyển U23 chuẩn bị lên đường đi dự SEA Games 23, trùm cá độ Lê Quốc Kỳ (hiện đang bỏ trốn), đã “đặt hàng” với Trương Tấn Hải phi vụ “làm độ”.
Theo đó, Hải gặp riêng Quốc Vượng ở TPHCM để bàn bạc việc chung chi cho từng trận đấu và nhận “giao kèo”. Theo thỏa thuận, Kỳ sẽ thông báo về kèo độ trước mỗi trận để Hải thông báo cho Quốc Vượng tổ chức “làm độ” ở Bacolod (Philippines).
Trong trận đấu giữa tuyển U23 Việt Nam và Myanmar, Trương Tấn Hải đã ra giá cho Quốc Vượng 500 triệu đồng nếu “thắng 1-0” hoặc cách biệt một bàn trong trận U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar.
Khi nhận “kèo” này, Vượng đã tổ chức họp kín với Hải Lâm, Văn Quyến, Bật Hiếu, Văn Trương, Phước Vĩnh và đã tạo ra kịch bản đúng như thỏa thuận mà trận VN và Myanmar đã diễn ra.
Khi kết thúc SEA Games 23, Quốc Vượng được “đối tác” thanh toán 500 triệu đồng như giao kèo tại TPHCM. Lúc này, Vượng chia cho nhóm thực hiện vụ “làm độ” 20 triệu đồng/người. Phần còn lại Vượng bỏ túi chi tiêu cho cá nhân và nhờ một tiếp viên hàng không giữ hộ 5.000 USD và 10 triệu đồng.