Ngành BHXH: Cải cách hành chính, phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Trong bối cảnh dịch COVID-19, để góp phần cùng cả nước vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam xác định mục tiêu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, ngành BHXH sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
BHXH Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cải cách hành chính và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, để phục vụ người dân tốt hơn. ẢNH BHXH HÀ NỘI

TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh vừa ban hành Chỉ thị 2165/CT-BHXH về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử; cải cách thủ tục hành chính, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới của ngành BHXH Việt Nam.

Theo đó, BHXH Việt Nam xác định mục tiêu tạo chuyển biến trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước và thế giới còn có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó là nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu: Người đứng đầu (gồm cả cấp phó) các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền, thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là vai trò của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; giám đốc BHXH cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Mạnh cũng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị tiếp tục công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, chính xác, thống nhất, minh bạch; tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Các đơn vị tiếp nhận, xử lý kịp thời và trả lời đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết; báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền nếu có.Người đứng đầu các đơn vị cũng cần nêu cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, không để cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả của công chức viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.

Người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại cơ quan, đơn vị phụ trách; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, quá hạn; chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ MỤC TIÊU “KÉP”

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị toàn ngành triển khai biện pháp chỉ đạo, điều hành để vừa thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, các đơn vị thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng (gói an sinh lần 2 trị giá 26.000 tỷ đồng).

Người đứng đầu ngành BHXH cũng lưu ý người đứng đầu các đơn vị một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Các đơn vị phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ linh hoạt, phù hợp theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, các đơn vị tạo thuận lợi tối đa để giải quyết các chế độ, chính sách hỗ trợ với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong Nghị quyết 68.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, đặt lên hàng đầu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...

Qua đó xây dựng hình ảnh ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân. Đặc biệt trong việc đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Theo BHXH Việt Nam, đến nay đã hoàn tất giảm cho doanh nghiệp tiền đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0% trong 12 tháng (tới tháng 6/2022). Tổng số có trên 375.300 đơn vị đang sử dụng hơn 11,2 triệu lao động được hỗ trợ từ chính sách này, với tổng số tiền tạm tính giảm khoảng 4.322 tỷ đồng.

Trong đó, TPHCM có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ nhất, với hơn 101.300 đơn vị đang sử dụng hơn 2,3 triệu lao động, tổng số tiền giảm hơn 1.000 tỷ đồng; Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp đang sử dụng hơn 1,4 triệu lao động được giảm trên 640 tỷ đồng. Tiếp đến các tỉnh thành như: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh...