> Quy định về cung cấp thông tin doanh nghiệp nợ xấu
> Việt Nam cần làm rõ quy mô nợ xấu
Cú đánh mạnh
Theo Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyết định 493 ra đời năm 2005 đã tạo căn cứ pháp lý giúp các tổ chức phân loại nợ và xử lý rủi ro phát sinh. Nhờ quyết định này và thông tư 18 đã phân loại tương đối đúng và đặt ra những nguyên tắc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng báo cáo khoảng 4% cho thấy việc phân loại nợ vẫn còn những bất hợp lý nhất định, từ tiêu chí, triển khai, cả cơ chế, thực thi… dẫn tới con số vênh nhau.
“Nợ xấu hiện nay là vấn đề lớn, gây khó khăn về thanh khoản, cản trở cấp vốn cho nền kinh tế. Hướng để khắc phục tồn tại quyết định 493 được thể hiện trong Thông tư 02, dự kiến có hiệu lực từ 1/6.” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định.
Từ góc độ người làm ngân hàng lâu năm, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết ông rất ủng hộ Thông tư 02 vì nó thực sự hướng hệ thống ngân hàng đến các chuẩn mực an toàn, rút ngắn khoảng cách với khu vực và thế giới. Nhưng đứng về phía doanh nghiệp, theo ông Kiêm, việc phân loại nợ và đảm bảo các tiêu chí an toàn, nếu áp dụng Thông tư 02 lúc này, sẽ là đòn đánh thằng vào doanh nghiệp.
“Hiện nền kinh tế và thực trạng cơ thể của doanh nghiệp đang có những yếu tố suy giảm, khó khăn chưa có điểm dừng. Nếu lúc này, ngân hàng phân loại thẳng thừng thì nợ xấu tăng lên rất nhanh. Chưa kể, tính theo chuẩn của Thông tư 02, số doanh nghiệp không được vay nữa cũng tăng vọt điều đó cũng có nghĩa là không tiếp cận được vốn) - ông Kiêm nói.
Giả định 1/6 áp dụng thông tư 02 thì điều gì xảy ra với các NHTM và hệ thống khách hàng? Ông Lục Lam, Phó tổng BIDV thẳng thắn: Thông tư 02 là tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Tới 2015 chúng ta phải thực hiện Barsel II. Nói thẳng ra thì các ngân hàng rất thích thông tư 02, nhưng nếu triển khai thì các doanh nghiệp là người khó khăn nhất, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Nhóm nợ của doanh nghiệp sẽ thay đổi. Định giá tài sản sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian. Về ngân hàng thì, tất nhiên cũng bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khó khăn.
Lùi tất yếu nhưng đến bao giờ?
Đánh giá cao về tính chuẩn mực của Thông tư 02, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế Barsel II, tuy nhiên với điều kiện hiện tại, chưa phải là thời điểm để thực hiện 02.
Vì sao? Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo phân tích: Nếu áp dụng ngay, nợ xấu các NHTM sẽ tăng lên rất nhanh, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp càng hạn chế.
Ví như với Agribank, ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các hộ cho vay kinh doanh sản xuất, một bộ phận chủ trang trại. Nếu chúng ta không giãn thời gian để doanh nghiệp có dòng tiền trang trải. Hay đơn cử như chương trình cho vay trữ gạo.
Hoạt động xuất khẩu bên ngoài biến động, nếu không gia hạn để các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo của nông dân thì nông dân gặp khó trước, vì doanh nghiệp có thể dừng mua gạo cho nông dân..
Theo TS Kiêm, trong bối cảnh khó khăn hiện, thời gian giãn hoãn càng ngắn càng tốt. Chẳng hạn hết năm nay. Vừa rồi NHNN có đoàn đi khảo sát các tỉnh, tôi biết trong đó có nhiều nguyện vọng của doanh nghiệp là kéo càng dài càng hay. Tôi vừa là người làm ngân hàng vừa từ doanh nghiệp, tôi nghĩ việc lùi 02 là cần thiết nhưng không nên kéo dài quá, đến cuối năm nay là tốt rồi.”.
TS kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: “ Thông tư này nếu triển khai sẽ xiết chặt các điều kiện, nợ xấu có thể nhiều hơn phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Với tình hình khó khăn hiện tại của doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng, nên tạm thời dừng lại chưa áp dụng 02 là cách gỡ khó cho các ngân hàng.
“Thời điểm này chưa phù hợp để làm, NHNN nên có một thông điệp cho rõ. Tuy nhiên, cũng cần đưa ra mốc thời gian, ví như đến cuối 2013 có áp dụng không…”- Ông Ánh nhấn mạnh.
Chủ tịch Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cũng nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà lại siết quy định thì rất khó cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
“Hiện chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 13 và 02 của Chính phủ, nay nên có điều chỉnh lộ trình hợp lý. Nếu rời Thông tư 02 thêm một thời gian nữa, chắc chắn sẽ không làm tăng chi phí và giá vốn, như vậy, sẽ có điều kiện và cơ hội để giảm lãi suất”- Ông Bảo khẳng định.
Một số ngân hàng hiện tại nợ xấu là 3-4%, nếu thực hiện thông tư này, vào cuối năm nay có ngân hàng nợ xấu sẽ tăng vọt lên 10-15-30% thậm chí 40%. Với những ngân hàng như thế rất là khốn khó, nếu nợ xấu chỉ 20%, thì đã ăn vào vốn chủ sở hữu ít nhất một nửa rồi, chưa kể năm nay làm không có lời, lỗ rồi, lại còn ăn luôn vào vốn tự có, vì lời không đủ tram vào dự phòng rủi ro. Nhưng chúng ta cần xem đây là cuộc giải phẫu ghê gớm nhất, lớn nhất từ đó sẽ xử lý bệnh tốt nhất, thông tư 02 này rất chặt chẽ - Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.