Ngân hàng tới tấp hạ lãi suất vay

TPO - Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước, bốn “ông lớn” ngân hàng là Vietcombank; VietinBank, BIDV và Agribank đã đồng hành giảm ngay lãi suất cho vay 1 số lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế.  Sự vào cuộc thậm chí đang lan toả mạnh trong giới ngân hàng cổ phần. 
Ngân hàng đang tích cực hạ lãi suất vay theo chỉ đạo hỗ trợ nền kinh tế

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành 0,25% và yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm 0,5% lãi suất vay (vào 8/7), tín hiệu giảm lãi suất được các ngân hàng nhất loạt tiến hành.

Theo đó, kể từ ngày 10/ 7,Vietcombank lập tức giảm lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên với mức điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Bên cạnh, Vietcombank triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội như: cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay ngành cấp nước sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (quy mô 10 nghìn tỷ); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay phát triển ngành y tế (quy mô 30 nghìn tỷ)

Cùng thời điểm, VietinBank cho biết sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp nhất ở mức 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.Đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND là 6,5%/năm.Tương tự, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên.

Nhanh chân nhất khối cổ phần, kể từ ngày 8/7, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên.Đặc biệt, LienVietPostBank áp mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND 6,0%/năm, thấp hơn mức trần 6,5%/năm theo quy định của NHNN đối với 05 lĩnh vực ưu tiên.

Eximbankcũng giảm lãi suất cho vay từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm với 5 lĩnh vực ưu tiên. Tại SCB, Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết ngân hàng sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay tối đa là 0,5%/năm đối với các hợp đồng cho vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới. Một NH khác là Sacombankcũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND xuống còn 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên.

Đánh giá về tác động của chính sách với thị trường,CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. “Mức giảm 0,25% là khá khiêm tốn trong bối cảnh các mức lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng hiện đều đang ở mức cao, lần lượt là 6,5%/năm; 4,5%/năm và 7,5%/năm”, BVSC nhận  xét.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia Quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là động thái chính sách tích cực, phù hợp với diễn biến thị trường đang có điều kiện để giảm lãi suất. Đơn cử, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)đang ở mức thấp. Nếu tính so với tháng 12/2016, CPI tháng 6/2017 chỉ tăng 0,2%. Nguy cơ lạm phát thấp tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất bằng các công cụ chính sách. “Từ nay đến cuối năm 2017, lãi suất có thể giảm được 0,25%- 0,5%/năm, đólà tín hiệu tốt cho nền kinh tế”, TS Lịch nhận định.