Ngân hàng đang cho các dự án BOT vay vốn thế nào?

Đến cuối tháng 9/2017, dư nợ đối với các dự án BOT, BT giao thông đã lên 90.311 tỷ đồng, tăng 3,53% so với cuối năm trước, chiếm 1,46% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Trả lời bằng văn bản câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nêu thực trạng việc cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT, BT giao thông vay vốn và giải pháp khắc phục những khó khăn tồn tại trong hoạt động cấp tín dụng các dự án này.

Tài xế đang dùng nhiều chiến thuật để phản đối BOT Cai Lậy vì cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí.  Ảnh: Trương Khởi.
Vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư dự án BOT chỉ 10-15%

Số liệu được Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra, đến cuối tháng 9, dư nợ đối với các dự án BOT, BT giao thông đã đạt 90.311 tỷ đồng, tăng 3,53% so với cuối năm 2016 và chiếm tỷ trọng 1,46% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cho biết việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT giao thông, tồn tại một số khó khăn và nhiều rủi ro.

Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất chính là năng lực tài chính của nhà đầu tư dự án BOT còn hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động, như tổng mức đầu tư tăng, giảm phí… Trong khi đó, nhà đầu tư cũng không đảm bảo vốn chủ sở hữu khi tham gia vào dự án.

Hiện nay, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư dự án BOT chỉ cần 10 -15% và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đi vay từ các TCTD.

Thống đốc lưu ý một số dự án có nguồn thu trong các năm đầu vận hành không đủ trả lãi vay ngân hàng. Hay một số dự án bị chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng kéo dài, phải cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ…

Giảm rủi ro bằng gia tăng thời gian vay vốn
Để giảm rủi ro trong việc cho các doanh nghiệp đầu tư BOT, BT giao thông vay vốn, Thống đốc NHNN cho biết sẽ gia tăng thêm thời gian vay vốn cho các dự án này.

BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang là dự án BOT giao thông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Ảnh: Thanh Tùng.
Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông thường có vốn đầu tư lớn, thời gian vay dài, trong khi vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn. Do vậy, các TCTD sẽ cho vay với các dự án BOT nếu có phương án tài chính khả thi, nhà đầu tư có năng lực, và chỉ cho vay những dự án hiệu quả…

Phía NHNN cũng cho rằng Chính phủ và các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, như sớm hoàn thiện cơ chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; xây dựng lộ trình triển khai các trạm thu phí không dừng trên tất cả các dự án BOT; tăng vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án…

Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều dự án BOT giao thông đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân.

Dự án tai tiếng nhất gần đây chính là BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Chỉ trong 3 ngày thu phí trở lại sau 3 tháng "xả trạm", dự án tiếp tục vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía người dân. Chỉ riêng ngày 2/12, trạm thu phí này đã phải xả trạm 12 lần vì ùn tắc.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu di dời BOT Cai Lậy sẽ phải đền bù hợp đồng cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro đến ngân hàng. Trong khi các tài xế liên tục dùng nhiều biện pháp để phản đối BOT Cai Lậy như trả tiền lẻ, yêu cầu trả lại tiền mệnh giá 100 đồng, dừng lau xe giữa trạm thu phí gây ùn tắc…
Theo Theo Zing