Gạo Thái Bình, Nam Định,... lên ngôi
Chị Dung kể, nghe phong phanh chuyện các cửa hàng bán gạo dùng thuốc chống ẩm để bảo quản và ướp hóa chất cho thơm, chị lo sợ và tìm mọi cách mua gạo trồng ở quê. Gốc Hà Nội, không có họ hàng ở quê nên chị Dung phải cậy nhờ bạn bè, đồng nghiệp, nếu ăn gạo quê thì mua hộ luôn. Song, hầu hết mọi người đều nói là đang ăn gạo đong ngoài chợ.
Cuối cùng, có bác bảo vệ cơ quan quê ở Thái Bình cho hay tháng nào người nhà bác cũng gửi gạo lên. “Thấy bác ấy nói thế mình như bắt được vàng, liền ngỏ ý nhờ gia đình bác mua giúp, tiền chi phí vận chuyển mình sẽ trả hết, cả phần của bác ấy luôn”, chị Dung nói.
Giờ thì cứ đầu tháng hoặc lúc nào hết gạo là chị điện thoại cho bác bảo vệ nhờ người nhà mua gạo ở quê rồi gửi xe khách lên Hà Nội. Tuy có mất công, chi phí vận chuyển cao hơn nhưng đổi lại không phải lo lắng gì.
Còn Cao Lan Anh, nhân viên một công ty phần mềm trên đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị quê gốc ở Nam Định. Bố mẹ chị trước cũng làm ruộng, nhưng vài năm nay đã lên ở với con dâu. Ruộng đất ở quê bỏ lại cho họ hàng làm. Nhưng gần hai năm nay, chị lấy lại ruộng và thuê người cấy để lấy gạo ăn.
Sợ gạo ướp hóa chất, dân Hà Thành tìm đủ mọi cách để mua được gạo quê chính gốc
“Mình chỉ lấy lại hai sào ruộng rồi thuê anh em họ hàng ở quê. Cứ cày bừa thuê hết 300.000 đồng, cấy hết 500.000 đồng nữa, tiền làm cỏ hết 100.000 đồng. Còn tiền phân, tiền thuốc sâu hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Đến lúc gặt cũng tốn thêm khoảng 400.000 đồng nữa. Năm chỉ cần cấy một vụ là đủ cho cả gia đình ăn, vụ còn lại cho mọi người cấy. Tất cả công thuê, mướn, rồi nhờ người gửi gạo lên Hà Nội cũng tốn kém chẳng khác nào ăn gạo đong, thậm chí còn tốn kém hơn. Nhưng hạt lúa mình làm ra bao giờ cũng sạch và ngon, yên tâm”, chị Dung cho hay.
Không có người quen, các bà nội trợ lại rỉ tai rủ nhau tìm thông tin mua gạo sạch thông qua các hội, nhóm trên các diễn đàn. Sẽ không khó để bắt gặp những thông tin như: “Em quê Nam Định, chuyên bán các loại gạo quê như Bắc Hương, tạp giao, Tám Hải Hậu,... Gạo nhà em không pha trộn, không có chất bảo quản hay tạo mùi hương nên mọi người an tâm khi dùng. Giao hàng miễn phí trong vòng 2km số lượng 20kg”...
Theo chị Mai ở Trương Định, Hà Nội: “Mua gạo trên các diễn đàn thì chủ yếu tin nhau. Thế nên lúc đầu mình thường mua tầm 5kg ăn thử, nếu thấy gạo thơm đúng chất lượng như quảng cáo thì những lần sau mới dám mua tiếp số lượng nhiều hơn. Mình cũng thường rủ chị em trong cơ quan mua cùng chỗ quen để bớt được phí ship”.
Gạo quê chính gốc đắt hàng
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thùy Trang ở Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được gần 3 tạ gạo quê, bao gồm gạo Tám Hải Hậu, gạo Bắc Hương. Đây là gạo bố mẹ chị tự xay sát rồi gửi lên để bán, chỉ một vài ngày là hết.
“Mới đầu, bố mẹ chỉ gửi gạo lên cho mình ăn, sau hàng xóm ngỏ ý rồi các chị em đồng nghiệp cũng muốn mua. Cứ người này giới thiệu người kia, rồi mình mở cửa hàng bán gạo quê luôn”, chị nói.
Tương tự, anh Ngô Văn Tâm chuyên bán gạo quê ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết nhu cầu mua gạo quê chuẩn của người dân ngày càng nhiều.
“Ngày trước anh chỉ bán được gần tạ gạo một ngày, nhưng giờ người dân tìm mua gạo quê càng nhiều. Ba ngày nay, số lượng gạo bán ra tăng gấp ba so với trước”. Anh Tâm cho hay, hiện rất nhiều nơi treo biển quảng cáo bán gạo quê, tuy nhiên, chỉ một số ít là bán gạo quê thật sự.
“Người mua có thể nhận biết được gạo bằng mắt thường. Chẳng hạn, gạo quê khi xay xát hạt gạo thường đen hơn để giữ được nhiều chất, không bóng bẩy như gạo ngoài chợ. Khi ăn thấy vị đậm đà”, anh Tâm nói.
Ngoài ra, gạo quê không sử dụng chất bảo quản nên thời gian để không được lâu, chỉ tầm hơn 1 tháng. Nếu để lâu hơn gạo sẽ bị chuyển màu (bị mốc). Cái này khác hẳn với gạo mua ngoài chợ được ướp chất bảo quản, để cả 3-4 tháng mà gạo vẫn bóng bẩy.
Anh Tâm còn lưu ý, nếu là gạo quê thật sự thì khi nấu lên vẫn giữ được nguyên mùi thơm, kể cả để cơm nguội mình vẫn cảm nhận được mùi thơm.