Ngàn cái chợ

TP - Lặng người xem lại cảnh Duyên chấp chới tìm chồng giữa phiên chợ âm dương, trong bộ phim kinh điển "Bao giờ cho đến tháng Mười". Duyên tin vào lời bà kể rằng ngày bé, rằng cứ đến rằm tháng Bảy ở cạnh miếu này người ta họp chợ, "để những người chết và những người sống được gặp nhau". Duyên, người phụ nữ làng chèo xứ Bắc mong gặp lại người chồng vừa ngã xuống nơi chiến trường Tây Nam...
Đưa chợ lên nguồn trên sông Cu Đê, Đà Nẵng một thời ` ảnh: Trần Tuấn

Có lẽ đạo diễn Đặng Nhật Minh cảm hứng từ phiên chợ Âm dương có thật ở Bắc Ninh là chợ Ó và chợ Chằm họp vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 Tết hàng năm. Chợ tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng gần 2.000 năm trước, được đặt trên nền những chiến trường xưa với bao cuộc giao tranh máu đổ xương tàn. Là dịp để người sống người chết gặp nhau.

Trước Hà Nội có cái chợ dân gian vẫn gọi là chợ Âm phủ bày dọc hai bên phố 19 tháng 12 bây giờ. Thời toàn quốc kháng chiến, nơi đây có khu mộ tập thể, nghe nói các công trình không xây dựng được, nên phải làm cái chợ chuyên bán thịt chó để... "đuổi tà ma". Chợ đã bị xóa bỏ, nay là phố sách.

Đà Lạt từ xưa cũng có chợ Âm phủ ở trung tâm phố núi. Là phiên chợ rau củ người bán kẻ mua trao đổi âm thầm trong bóng đêm, ánh đèn dầu lạc và mù sương chập chờn từ nửa khuya tới gần sáng. Sau này phố xá phát triển, đèn điện dày đặc nên không khí liêu trai cũng không còn.

Tiếng Việt có từ rất hay, tượng hình ám ảnh, đó là cảnh "chợ chiều". "Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ". Là cái chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, sau suốt một ngày xôn xao, rộn ràng xanh đỏ.

Thêm phiên chợ Viềng mỗi năm một lần ở Nam Định, là những chợ Âm phủ có tiếng nhất. Còn tại nhiều tỉnh thành cũng có "chợ âm phủ", là loại chợ người nghèo mưu sinh buôn bán về đêm, như ở Sài Gòn, Đồng Tháp, Bình Định,... Những phiên chợ cũng mái lều tre nứa, thúng mủng người gánh kẻ gồng,... Nhòa mờ chợ đời với chợ tâm thức, tâm linh.

Ta đang sống trên xứ sở của ngàn cái chợ.

Chợ quê chợ phố chợ sông chợ núi chợ rừng chợ biển chợ nổi chợ phiên chợ xép chợ tạm chợ xổm chợ đuổi chợ chạy chợ mai chợ hôm chợ đêm chợ đình chợ chùa chợ đen chợ trời chợ người chợ tình chợ xuân chợ hoa chợ chữ chợ sách chợ phim chợ luận văn,...

Rồi tới dịch dã, sinh ra chợ dã chiến, chợ online, chợ QR Code, chợ tổ dân phố, chợ bộ đội, chợ công an, chợ 0 đồng,...

Thời hiện đại, siêu thị được hiểu là "cái chợ đặc biệt". Nhưng kỳ thực chẳng có gì "siêu", so với chợ trong truyền thống cũng như khả năng sáng tạo ra những cái chợ mỗi ngày của người Việt.

Chợ có trước khi có tiền. Pythagore thời cổ đại chia cuộc đời con người làm hai mảng, là "cái chợ và địa hội Olympic". Gồm đa phần những người lao vào đám đông ồn ào buôn bán tìm kiếm lợi lộc, và số ít những người suy tư kiếm tìm chân lý, sáng tạo.

Duyên tìm chồng nơi phiên chợ âm dương - phim Bao giờ cho đến tháng Mười

Chúa Jesus từng xua những kẻ buôn bán súc vật, đổi tiền ra khỏi đền thờ Jerusalem, và nói "đừng biến nhà của Cha ta thành cái chợ". Còn Phật giáo thì "thõng tay vào chợ", vô ngã, vô tu, vô chứng. Có gì khác nhau chăng? Thực ra ngôi đền ấy chính là nơi ngự trị tâm hồn. Linh hồn phải thanh sạch, cũng như cái tâm thanh tịnh không dính dấp của người nhà Phật. Nhưng rất nhiều khi con người tự bán rẻ tâm hồn, linh hồn chính mình. Vẫn dâng cúng lên đức Thánh Phật hay Thượng đế nhiều vật tế, rải vãi tiền bạc tưởng là sẽ "mua" lại được sự bình yên...

Cái chợ góp phần rất lớn làm nên căn tính người Việt. "Chợ" cũng chính là chữ Nôm. Căn tính ấy, một phần như những thứ ví von eo sèo kiểu chợ trời, chợ đen, chợ búa, chợ vỡ,... Một phần lớn hơn nữa, là vẻ đẹp dân dã nôn nao mà khó có thứ gì có thể thay thế, lấp đầy.

Rằng chợ búa vốn đông đúc xô bồ. Nhưng tôi cứ nghĩ, đẹp nhất chính là nỗi hiu quạnh khi vãn chợ. Tiếng Việt có từ rất hay, tượng hình ám ảnh, đó là cảnh "chợ chiều". "Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ". Là cái chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, sau suốt một ngày xôn xao, rộn ràng xanh đỏ.

"Tiếng trống thu không trên cái chòi huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều... Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này" (Hai đứa trẻ, Thạch Lam). Mùi chợ, mùi đất, mùi cát bụi hòa với mùi nắng mùi thời gian, còn gì thân thương hơn trên quê hương chúng ta.

Còn gì thương nhớ hơn cái phố thị quạnh vắng đất An Nhơn, Bình Định quê mình. "Tỉnh nhỏ/đìu hiu/mặt trời ngủ giữa chiều/trở mình trên mái rạ.../cô em/nằm xem/kiếm hiệp..." (Lại về tỉnh nhỏ, Yến Lan).

Để đôi lúc chợt nghĩ, rằng chính là chợ, chứ không phải đình chùa, mới là cột đỡ trung tâm của tâm thức người Việt. Những lúc trong lòng trống trải, hoang vu. "Ta đi nhưng biết về đâu chứ?/Đã dấy phong yên khắp bốn trời/Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/Uống say mà gọi thế nhân ơi!" (Hành phương Nam, Nguyễn Bính).

Giờ thì ngồi đây nhớ cái chợ trên tàu, vẫn được gọi là tàu chợ một thời vận chuyển tuổi trẻ của tôi đi-về xứ Huế. Con tàu cổ lỗ phì phò leo đèo Hải Vân từ ba, bốn mươi năm trước, giữa ràn rạt ngàn lau lách gió sương. Đôi hàng ghế gỗ trịn mòn mồ hôi bao phận đời vô danh khuất mặt. Trải khắp cái sàn tàu bụi bặm là cái chợ nghèo eo sèo lắc lư theo bánh sắt nghiến lên đường ray từng tiếng "tau cực, mi cực...". Ngổn ngang những thúng mủng, gồng gánh, bao bị to nhỏ. Những mẻ khoai sắn, thúng xôi, túm bánh lọc, nồi cháo bột, đùm cơm nắm muối vừng, cùng bóng những người đàn bà vừa rao vừa chao.

Một phiên chợ phù hoa của ký ức cứ dai dẳng chao lắc suốt đời người... 26/9/2021