Quang cảnh phòng triển lãm. Ảnh: Nhật Minh
Triển lãm gồm các hình ảnh lấy từ bộ sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger, khai mạc chiều 8/9. Ngoài giá trị lớn lao về tư liệu, mỗi hình ảnh khắc gỗ trong cuốn sách có thể được chiêm ngưỡng như các tác phẩm nghệ thuật lâu đời.
Trong hai năm (1908-1909) thực thi nghĩa vụ quân sự tại Hà Nội, Henri Oger cùng một họa sĩ người Việt đi khắp phố phường và ngoại thành để thống kê, tìm hiểu sự phong phú, đa dạng của các ngành công thương nghiệp phổ biến.
Kết quả là hơn 4.000 hình vẽ và ký họa, thống kê hầu như tất cả các khía cạnh trong đời sống của người Việt ở Hà Nội. Từ quá trình sản xuất hạt gạo đến các hình thức giải trí; từ các hình thức săn bắt hái lượm tới nghệ sĩ đường phố; từ những sưu tập thời trang (quần áo, trang sức, kiểu tóc, giày dép) đến hoa văn trang trí, đồ thờ tự; từ cung cách nấu nướng, ăn uống cho đến các hoạt động tín ngưỡng, bói toán”...
Nhờ Henri Oger, độc giả hình dung ra ông ba bị, biết thế nào là đem con bỏ chợ (hình ảnh một bà mẹ lấy nón làm nôi cho con), thế nào là kỹ nữ đánh bồng.
Biết từ thả bè trôi sông (hình phạt dành cho tội hủ hóa) đến đội bè ngổ bắt bồ nông, biết ả đào chuốc rượu, hình dáng cây đàn bầu xưa khác nay đến mức nào... Tác giả tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đơn cử một hình ảnh được chú thích: Nhặt thịt thổi phù phù (thái thức ăn lỡ để rơi, thổi để khử khí bẩn rồi lại ăn)...
Một kho tư liệu cực kỳ phong phú không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà cho cả người làm nghệ thuật. Chẳng hạn nếu muốn làm phim về Việt Nam thời điểm trăm năm trở về trước, rất nên tham khảo công trình này. Xem triển lãm hoặc sách còn để biết người Việt ngày nay còn những điểm gì chung với cha ông mình.
Lần in thứ nhất cách đây 100 năm chỉ gồm 60 bản in dập trên giấy dó, không được chào đón ở Pháp quốc.
Ở Việt Nam trước 2009, người ta chỉ biết hai bản. Bản thứ nhất, không hoàn chỉnh lưu tại thư viện Quốc gia Hà Nội. Bản thứ hai bảo quản tương đối tốt tại thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.
Bộ sách này được số hóa trong khuôn khổ dự án Phát huy giá trị tư liệu thành văn ở Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Pháp và được tái bản lần này, có bổ sung phần chú thích. Song song với ấn bản giấy số lượng 2.000 cuốn, bản số hoá cũng được phát hành dưới dạng DVD (1.000 bản).
Và cũng như đồ cổ, công trình nghiên cứu loại này càng để lâu càng giá trị. Kỹ thuật của người An Nam hoàn thành khi Henri Oger 24 tuổi, là tác phẩm duy nhất trong số công trình của ông được xuất bản. Ông bị coi là thiếu khiêm tốn và bị giới nghiên cứu thời bấy giờ tẩy chay.
Henri Oger sinh tại Montrevault ngày 31/10/1885. Say mê các nền văn minh viễn đông, năm 1905, ông đăng ký học trường Cao học Thực hành Paris. Người ta không biết nhiều về cuộc đời Henri Oger.
Sau 10 năm làm viên chức hành chính dân sự Bộ Thuộc địa, ông rời Đông Dương năm 1919. Sau đó, ông gần như mất tích. Chỉ biết rằng từ tháng 2/1932, ông sống ở Tây Ban Nha, rồi biến mất ở đó năm 1936.
Mãi đến năm 1970, trong một bài tóm tắt tiểu sử đăng ở niên san của trường Viễn đông Bác cổ (BEFEO), ông Pierre Huard mới đánh giá lại công trình của Henri Oger đúng với giá trị của nó. Không chỉ là Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger đã phác họa cả một thời đại văn minh vật chất và văn hóa tinh thần Việt Nam ngay trước khi bị va đập với các giá trị phương Tây.
Tới dự khai trương trưng bày Thị dân và nông dân Bắc bộ đầu thế kỷ 20 - Sự việc và hành động có ông giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ cùng nhiều nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước. Họ đang có mặt tại Việt Nam trong cuộc nhóm họp hai năm một lần của trường Viễn Đông Bác Cổ.
Nhân dịp này, trường ký kết với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thỏa thuận hợp tác khảo cổ Hoàng Thành, xây dựng nhà trưng bày di tích Hoàng Thành ở Ba Đình vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.