Ngẫm một đời thơ lạ thành quen

TP - Một nghịch lý với Vũ Quần Phương là ông bình thơ người khác nhiều, nhưng chẳng nhiều người bình thơ ông. Ông cũng ít nói về thơ mình. Buổi tọa đàm hôm 30-6 là dịp hiếm hoi thơ ông trở thành nhân vật chính được “mổ xẻ”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà thơ Trần Ninh Hồ tại buổi tọa đàm Ảnh: Mi Ly

> Khi văn nghệ sỹ là đại biểu quốc hội

Tọa đàm nhân dịp ra mắt hai cuốn sách Tuyển tập thơ Vũ Quần Phương bình thơ diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Tuyển tập thơ tổng hợp 10 tập thơ đã xuất bản, cuốn bình gồm 150 bài phê bình thơ.

Cùng lúc ra hai tuyển tập dày dặn, cho một cái nhìn tổng quát về sự nghiệp trải dài nửa thế kỷ của Vũ Quần Phương. Sau đây, ông dự định sang Mỹ 6 tháng để thăm con cháu đồng thời gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ hải ngoại để hoàn thiện cuốn sách tổng quát về thơ ca Việt Nam thế kỷ 20, công trình mà ông ấp ủ lâu nay.

Những độc giả vẫn hình dung nhà thơ với diện mạo khắc khổ, nhà cửa nghèo túng hẳn ngạc nhiên lắm khi đến thăm nhà Vũ Quần Phương. Là bác sĩ, ông thành đạt, hai vợ chồng sống trong ngôi biệt thự đẹp đẽ ở Hà Nội.

Các con ông đều là những nhà khoa học thành công tại Mỹ. Hoàn cảnh sống của ông, theo cách nói của Nguyễn Huy Thiệp, là “mơ ước xa xỉ” đối với nhiều người.

Khi trẻ ngước lên tận cung trăng, về già nhìn xuống tận mặt đất- bạn thơ Trần Ninh Hồ nói về Vũ Quần Phương, liên tưởng đến bài thơ Fansipan ta lên tới đỉnh ông làm hồi còn trẻ.

Càng về sau, thơ ông càng xoay quanh những sự vật, sự việc thường ngày. Tập mới nhất Chân trời sau chân trời ra mắt năm 2012 càng thể hiện rõ điều đó. Những chi tiết gần gũi như uống trà đạo, mất ngủ, thắp đèn, đi thăm cháu ở Mỹ…đều được đưa vào thơ.

Trần Đăng Khoa nhận định: “Rất nhiều nhà thơ có tài bị khuất lấp bởi thời đại. Vũ Quần Phương là một. Có những bài thơ tầm tầm nhưng do cảm hứng thời đại nên được khen quá lên. Những bài thơ hay đích thực vẫn sống chứ không cần tựa vào cuộc chiến tranh”. Trần Đăng Khoa lý giải, Vũ Quần Phương phải chịu “khuất lấp” đơn giản vì lúc người ta kêu gọi viết về chiến tranh, bom đạn thì ông lại ngẩn ngơ trước… mùa xuân.

Anh đứng trên cầu đợi em/ Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ” (Đợi) được đọc nhiều, nhớ đến nhiều. Nhưng Vũ Quần Phương thổ lộ, điều đó cũng làm ông chạnh lòng, vì ông còn nhiều bài thơ hay khác, không chỉ có Đợi.

Cũng lại Trần Đăng Khoa nhận định, vì Thơ Mới có một Hoài Thanh thiên tài nên giá trị thơ ca thời đó mới được ghi nhận thấu đáo. Còn thời nay, vì thiếu vắng những nhà phê bình như thế, nên người ta tưởng rằng thơ không còn hay.

Thực chất, vẫn còn thơ hay nhưng lại bị chìm lấp bởi bao nhiêu thơ dở. “Bây giờ là thời loạn chuẩn, những tác phẩm kém chất lượng lại được tôn vinh”, Trần Đăng Khoa viết trong lời giới thiệu cuốn Vũ Quần Phương bình thơ.

Tạm cho rằng thơ Vũ Quần Phương còn khuất lấp, nhưng ít ra, ông còn có một cái tài khác đã được công nhận, là bình thơ. Nhiều bạn văn thừa nhận Vũ Quần Phương là một trong số những người nói chuyện thơ hay nhất nước.

Trần Đăng Khoa khen: “May sao, sau Hoài Thanh, chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Bình thơ, đặc biệt là thơ đương đại, không ai viết hay hơn Vũ Quần Phương”.

Một sự đánh giá rất cao. Theo Trần Đăng Khoa, trong lớp nhà văn nhà thơ cùng thời, Vũ Quần Phương có chủ ý trở thành nhà phê bình rõ rệt nhất. Ông viết về ca dao, trường ca sử thi, thơ Đường, Nguyễn Trãi, Truyện Kiều cho đến những tác giả hiện đại.

Lâu nay giới phê bình vốn bị cho là không bắt kịp đời sống văn chương. Phê bình văn còn thế, nói gì đến phê bình thơ, lại trong thời buổi thơ bị phần lớn công chúng thờ ơ.

Trong hoàn cảnh đó, như nhà thơ Tuyết Nga chia sẻ, chị và nhiều nhà thơ khác chọn cách “lặng lẽ viết”, nghĩ rằng thơ mình thế nào rồi cũng sẽ có người đọc. Nhưng chị đã thay đổi suy nghĩ khi đọc Vũ Quần Phương bình thơ.

Hóa ra lâu nay chúng ta nghĩ rằng khó đưa thơ đến với bạn đọc vì chúng ta chỉ nhìn toàn cảnh mà không chú trọng cái cụ thể.

Có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như giới thiệu một câu thơ hay, một bài thơ hay, như cách nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn làm- cũng là một cách đóng góp cho thơ.

“Nếu Xuân Diệu có 3 bài thơ hay, thì Vũ Quần Phương có 10 bài”- Văn Chinh mạnh miệng. Một lúc, không rõ buột miệng hay chủ ý, nhà văn lại phán: “Hồi yêu bà Xuân Quỳnh, ông ấy làm thơ hay thế!” làm hội trường cười ồ.

Vũ Quần Phương từng bình thơ Xuân Quỳnh, bài Thuyền và biển như sau: “Bài thơ đậm tính nữ và do đó càng mới mẻ, cảm động. Khi ca sĩ nam hát bài này do Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, các đại từ nhân xưng em đổi thành anh và ngược lại: Nếu phải cách xa em/ Anh chỉ còn bão tố. Bão tố ấy con gái nói thì hay, đắm say mãnh liệt. Con trai nói không hiểu sao lại thấy xoàng”.

Theo Báo giấy