Nga phân tích hộp đen Su-24, phóng tên lửa diệt IS

TP - Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 8/12 trình lên Tổng thống Vladimir Putin chiếc hộp đen máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. 
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trình lên Tổng thống Vladimir Putin chiếc hộp đen máy bay Su-24

Ông Shoigu cho biết, sau khi nhảy dù ra khỏi máy bay, 1 phi công Su-24 bị nhóm tay súng Turkmen bắn chết, RT đưa tin. Tổng thống Putin nói rằng, dữ liệu hộp đen phải được phân tích trước sự có mặt của các chuyên gia quốc tế để biết được thời điểm, địa điểm máy bay Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Tổng thống Nga nói rằng, những sự thật sẽ được phơi bày sau khi phân tích hộp đen sẽ không làm thay đổi thái độ của Nga đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng ta đã coi Thổ Nhĩ Kỳ như bạn và là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Và chẳng ai ngờ được chúng ta lại bị một cú đâm từ sau lưng hèn hạ và phản bội như vậy”, ông Putin nói.

Hôm qua, Bộ trưởng Shoigu thông báo, Nga lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm Rostov-on-Don ở Địa Trung Hải tấn công IS tại Syria. “Các mục tiêu là hai cơ sở khủng bố lớn tại Raqqa”, ông Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin. Tàu ngầm phóng ít nhất bốn quả tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu tại Raqqa - “thủ đô” tự xưng của IS ở Syria. Kalibr là loại tên lửa đất đối đất mà quân đội Nga bắn đi từ tàu chiến trên biển Caspian tới Syria ngày 7/10 và 20/11. Các quả tên lửa bay qua quãng đường 1.500km, qua không phận Iran và Iraq để tới Syria. Bộ trưởng Shoigu cho biết, trong 3 ngày qua, lực lượng không quân Nga đã xuất kích 300 lần tại Syria, tấn công hơn 600 mục tiêu. Sau vụ Su-24 bị bắn hạ, các máy bay không kích của Nga đều được các máy bay tiêm kích hộ tống như Tổng thống Putin yêu cầu.

Hãng thông tấn TASS đưa tin, tuần dương hạm trang bị tên lửa Varyag đang có mặt tại Ấn Độ tham gia cuộc tập trận Hải quân Indra-2015 sẽ được điều đến Syria tham chiến chống IS thay thế tuần dương hạm Moskva. Tuần dương hạm dự kiến lưu lại Syria tới tháng 9/2016. Đây được xem là một trong các chiến hạm “khủng” nhất của Hải quân Nga hiện nay, có lượng giãn nước tới 11.490 tấn, trang bị 16 tên lửa hành trình chống tàu siêu xa P-500 và 64 tên lửa phòng không tầm cao S-300 PMU.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 8/12 cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc các biện pháp thích hợp để ứng phó với Nga, đồng thời đe dọa áp đặt trừng phạt nếu cần thiết. Trong khi đó,Thổ Nhĩ Kỳ không những không rút quân khỏi Iraq theo yêu cầu của Thủ tướng Iraq mà còn vừa gửi thêm lực lượng đến căn cứ Bashiqa, phía bắc Iraq, nâng tổng số quân đồn trú của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq lên đến 600. Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ hoạt động huấn luyện quân sự của mình ở Iraq trước đòn tấn công của IS tại tỉnh Mosul. Hành động đưa quân vào Iraq mà không xin phép hoặc thông báo đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Baghdad. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút quân về nước sau khi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Iraq.