Nga-Mỹ: 'Chiến tranh thịt' rồi 'chiến tranh lạnh?

TP - Việc Nga tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ khiến giới bình luận nhận định, cuộc chiến tranh thịt có thể mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh mới.
Hai ông Putin và Obama không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng.

Chỉ một ngày sau khi Thượng viện Mỹ tán thành Đạo luật Magnitski, đạo luật liệt kê danh tính những quan chức Nga bị cấm nhập cảnh vào Mỹ cũng như phong toả tài khoản của họ tại các ngân hàng Mỹ, Giám đốc Cơ quan Giám sát sản phẩm nông nghiệp Nga, ông Gennadi Onishenko đã tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ.

Chiến tranh thịt

Lý do ông Onishenko đưa ra là trong thịt bò và thịt lợn Mỹ có chứa raktopamin- chất làm tăng trọng và giảm mỡ. Đây là chất đã bị cấm tại 160 nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thuộc Liên minh châu Âu bởi chất này ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng. Nhưng raktopamin lại được phép sử dụng tại Mỹ, Canada và một số nước khác.

Quyết định nói trên của Cơ quan Giám sát sản phảm nông nghiệp Nga đã gây sốc cho phía Mỹ. Bởi lẽ, Nga chiếm hàng thứ 6 trong số những nước nhập thịt bò và thịt lợn của Mỹ.

Thượng viện Mỹ đã biểu quyết tán thành “Đạo luật Magnitski” (hay còn gọi là “Danh sách Magnitski”). Trong đạo luật này có liệt kê danh tính những quan chức Nga (tạm thời chưa công bố cụ thể) bị cấm nhập cảnh vào Mỹ (kèm theo những biện pháp trừng phạt tài chính như phong toả tài khoản của họ tại các ngân hàng Mỹ), những người bị phía Mỹ cáo buộc có liên quan đến cái chết trong tù của Sergey Magnitski, kiểm toán viên được cho là phát hiện ra đường dây tham nhũng trong Chính phủ Nga.

Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm nay, trị giá số thịt bò và thịt lợn Mỹ nhập vào Nga đã lên tới hơn 400 triệu USD. Đấy là chưa kể hơn 200 container thịt bò và thịt lợn trị giá 20 triệu USD đang trên đường từ Mỹ đến Nga.

Nếu Nga không nhập thịt bò và thịt lợn của Mỹ, các chủ trại Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 500 triệu USD/năm.

Chính vì thế, ngay sau khi quyết định của Cơ quan Giám sát sản phẩm nông nghiệp Nga được công bố, Đại diện Mỹ trong các cuộc thương lượng thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ đã ra tuyên bố chung khẩn thiết kêu gọi Nga xem xét lại lập trường của mình về vấn đề nhập thịt của Mỹ.

Còn các nhà bình luận gọi đây là cuộc “chiến tranh thịt” giữa Nga và Mỹ.

Đồng thời, một Toà án ở Mátxcơva đã thụ lý vụ án hình sự mà bị cáo là hai nhân vật chủ chốt của Quỹ Hermitage Capitale- Sergey Magnitski và Brauder.

Hai nhân vật này bị cáo buộc đã trốn tổng cộng hơn 522 triệu rúp (tương đương 17 triệu USD) tiền thuế bằng cách làm giả các bản khai thuế và lợi dụng những ưu đãi dành cho những người tàn tật.

Bóng ma của cuộc “chiến tranh lạnh” mới

Cuộc “chiến tranh thịt” chỉ là bước khởi đầu. Bước trả đũa tiếp theo có thể là việc phía Nga tạm dừng hoạt động của Ủy ban Tổng thống được hai ông Obama và Medvedev thành lập năm 2009.

Hiện có tới vài chục tiểu ban thuộc Ủy ban này đang làm việc trong mọi lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Mỹ. Nếu cơ chế này bị đóng băng thì sẽ rất khó khởi động lại.

Ngoài ra, Nga còn chuẩn bị hành động đáp trả “đối xứng”, tức là soạn thảo một danh sách những quan chức Mỹ bị cấm nhập cảnh vào Nga.

Hiện nay, Duma Quốc gia Nga đang khẩn trương làm việc theo hướng này, Theo báo chí Nga, bản danh sách đó rất có thể sẽ bao gồm những quan chức Mỹ vi phạm quyền con người của các công dân Nga trên khắp thế giới, chẳng hạn những quan chức Mỹ có liên quan đến vụ dẫn độ bất hợp pháp công dân Nga Viktor But từ Thái Lan sang Mỹ để xử án.

Những biện pháp trả đũa đã và sẽ được Nga áp dụng rất có thể sẽ khiến Nga và Mỹ lâm vào một cuộc “chiến tranh lạnh” mới giữa hai nước.

Khi bình luận về “Đạo luật Magnitski”, Tồng thống Putin tuy tán thành những biệc pháp đáp trả của Đuma Quốc gia Nga nhưng nhấn mạnh không nên dùng những biện pháp cấm đoán đối với Mỹ cũng như những biện pháp quá giới hạn cần thiết.

Vũ Việt
Theo Kp.ru và Vz.ru

Theo Báo giấy