> Trung Quốc hất Mỹ, thành cường quốc biển năm 2030?
> LHQ nói về giải quyết tranh chấp biển Đông
Nhận định của ông về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Myanmar và Việt Nam từ ngày 2 đến 5-3?
Chuyến thăm là một sự kiện quan trọng, cho thấy sự tái quan tâm của Nga đối với Đông Á. Cần nhớ rằng, khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất hồi tháng 10-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc đó không tham dự. Ông gửi cấp phó của mình tới dự. Ông Shoigu trở thành Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 11-2012, sau ADMM+...
Có báo cáo cho rằng Nga mong muốn quay trở lại cảng Cam Ranh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Từ khi Nga rút khỏi vịnh Cam Ranh năm 2000, Việt Nam kiên định chính sách “ba không”. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2004 nói rõ rằng, Việt Nam chủ trương không tham gia bất cứ một liên minh quân sự nào; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; không tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các nước khác.
Chính sách “ba không” này được nhắc lại trong Sách trắng Quốc phòng năm 2009: “Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”…
Không có khả năng hạm đội Nga sẽ được phép thành lập một căn cứ ở cảng Cam Ranh. Nhưng tàu hỗ trợ và nhân sự hải quân Nga có thể sẽ được phép tham gia nâng cấp các cơ sở hải quân ở Cam Ranh.
Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rằng, các cơ sở sửa chữa thương mại hàng hải ở Cam Ranh mở cửa cho mọi nước. Mỹ đã sử dụng những cơ sở này để sửa chữa tàu dân sự. Nga có thể cũng sẽ làm như vậy.
Giống như tàu hải quân Trung Quốc, tàu chiến Nga đã ghé thăm một số cảng Việt Nam khi trên đường trở về sau các chuyến thực thi nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden. Đến nay, Việt Nam không mở cửa cảng Cam Ranh cho những chuyến ghé thăm như vậy.
Nếu tàu hải quân Nga trở lại vùng biển Đông Nam Á với số lượng lớn hơn, thì họ cũng không làm vậy để kiềm chế Trung Quốc.
Nhưng, giống như các cường quốc biển khác, Nga quan tâm và hưởng lợi từ tự do hàng hải. Nga sẽ phản ứng với bất kỳ thách thức nào đối với sự tự do này, theo cách giống như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã làm, bằng cách khẳng định quyền của Nga theo luật quốc tế.
Ông có thể dự đoán chi tiết hơn về diễn tiến trong khu vực thời gian tới?
Tôi cho rằng, Nga không tìm kiếm sự hiện diện hải quân lâu dài ở vịnh Cam Ranh để gây ảnh hưởng trên biển Đông. Nga cũng không tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Khó có khả năng Việt Nam thay đổi chính sách “ba không”.
Cảm ơn ông.
Vai trò của EU tại biển Đông
Ngày 7-3, tại Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra cuộc thảo luận về tình hình quân sự và an ninh tại biển Đông, do Tiểu ban An ninh và Quốc phòng trực thuộc Ủy ban Đối ngoại EP tổ chức. Các diễn giả đề cập Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, yêu cầu các bên tôn trọng văn bản này vì lợi ích chung, đồng thời đề cập vai trò của Liên minh châu Âu (EU) tại biển Đông. Các diễn giả đều nhận định, duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của các nước, trong đó có EU.
Vì vậy, EU cần có chính sách chủ động và tích cực hơn tại khu vực Đông Nam Á, cần xem xét việc giúp đảm bảo an ninh tại biển Đông và thúc đẩy việc sử dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Bộ trưởng KHCN Trung Quốc Vạn Cương mới đây thừa nhận, nước này đã bắt tay phát triển ở tầm quốc gia một loại lò phản ứng hạt nhân dùng được cho cả tàu sân bay và nhà máy điện. Theo Ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang có kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân, đưa vào sử dụng trong năm 2020. (VietnamPlus)
Minh Long
thực hiện