Tổng thống Vladimir Putin:

Nga không đặt mục tiêu sáp nhập Crimea trước khi xảy ra đảo chính ở Ukraine

TPO - Năm nay, cuộc họp báo thường niên quay trở lại hình thức trực tiếp và sẽ được tổ chức tại toà nhà Moscow Manege. Sự kiện khai mạc lúc 12h ngày 23/12 (theo giờ Nga, 16h theo giờ Hà Nội).

Đây là cuộc họp báo thứ 17 của ông Putin trên cương vị Tổng thống Nga. Năm 2020, ông Putin tổ chức họp báo tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo, trong đó phần lớn các phóng viên đặt câu hỏi cho tổng thống qua video.

“Đây là một cuộc họp báo cơ bản. Các phóng viên tự do đặt câu hỏi và sẽ được nhận câu trả lời thấu đáo từ tổng thống”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Cuộc họp báo được đánh giá là sự kiện rất quan trọng đối với ông Putin, vì đây là cơ hội để tổng kết những gì đã đạt được trong năm, cả về kinh tế, đối nội, đối ngoại.

Theo ông Peskov, chủ đề ưu tiên của Tổng thống Nga Putin là những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, ông Putin cũng sẽ trả lời một số câu hỏi về quan hệ quốc tế. “Sự hỗn loạn trong các vấn đề quốc tế ở thời điểm hiện tại là chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ”, ông Peskov nhấn mạnh.

Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở Nga đạt 59,4%

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở Nga đã đạt 59,4%. Con số này bao gồm cả những người đã khỏi COVID-19 và những người đã tiêm phòng. Nhưng như vậy là chưa đủ. Chúng ta cần đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng khoảng 80%. Hy vọng trong năm tới chúng ta sẽ đạt được mức này."

Ông Putin tại buổi họp báo. Ảnh: Tass

Không bắt buộc tiêm chủng

Tổng thống Putin than phiền rằng nhiều người dân Nga không thừa nhận tầm quan trọng của việc chủng ngừa COVID-19. Tuy nhiên, ông bác bỏ ý tưởng tiêm chủng bắt buộc vì việc tạo áp lực sẽ khiến mọi người tìm cách khác để lách luật.

Chính phủ phải tôn trọng người dân và thuyết phục họ hành động chứ không phải ép buộc, ông Putin nói. Dù vậy, có một số vấn đề mà cơ quan chức năng phải đối phó mạnh tay, ví dụ tội phạm giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng.

Tình hình căng thẳng ở Ukraine

Khi được hỏi về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Putin cho biết mối căng thẳng hiện tại xuất phát từ sau cuộc đảo chính năm 2014.

Tổng thống Ukraine khi đó, ông Viktor Yanukovych, đã quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), kéo theo các cuộc biểu tình quy mô lớn của những người muốn Ukraine thắt chặt quan hệ với phương Tây. Cuối cùng, ông Yanukovich phải nhượng bộ.

“Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào năm 2014. Điều gì đã xảy ra? Một cuộc đảo chính. Một cuộc đảo chính đẫm máu. Nhiều người đã chết. Ông Yanukovych đã nhượng bộ. Làm sau chúng ta có thể quay lưng khi Sevastopol và Crimea mong muốn được chúng ta bảo vệ?”, ông Putin nói, đồng thời khẳng định Nga chưa từng đặt mục tiêu sáp nhập Crimea trước khi xảy ra cuộc đảo chính ở Ukraine.

Trước đó, ông Putin từng cáo buộc chính biến lật đổ chính quyền Yanukovych năm 2014 ở Ukraine là hành vi "đảo chính" do Mỹ dàn dựng và được trợ giúp bởi các đồng minh châu Âu của Washington.

Ảnh: RT

Cũng theo ông Putin Kiev đã dùng vũ lực 2 lần để dập tắt các cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Họ từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình theo thoả thuận Minsk. Họ cũng thông qua các chính sách phân biệt đối xử chống lại các dân tộc thiểu số.

Mátxcơva tin rằng sự leo thang căng thẳng hiện tại ở miền Đông là dấu hiệu cho thấy Kiev đang lên kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự thứ ba. Do đó, Nga phải chuẩn bị đối phó với các động thái của Ukraine.

Mỹ nói rằng họ muốn thương lượng về tình hình hiện tại, ông Putin cho biết, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các biện pháp ngoại giao sẽ được tiến hành.

Căng thẳng với phương Tây

Một phóng viên đặt câu hỏi bằng tiếng Anh: “Ông có thể cam kết rằng Nga sẽ không tấn công các quốc gia khác? Ông cho rằng phương Tây còn chưa hiểu gì về Nga?”

Tổng thống Putin trả lời: “Hành động của Nga phụ thuộc vào những mối đe doạ mà chúng tôi phải đối mặt. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi tin rằng việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng ở châu Âu là không thể chấp nhận được, vì việc đó sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga.

Về phần mình, Mỹ cũng sẽ không bao giờ chấp nhận việc nước khác triển khai các hệ thống tên lửa gần biên giới nước này. Điều gì sẽ xảy ra nếu quan hệ giữa Mỹ và Mexico xấu đi vì mối hận thù lịch sử, và Mexico tỏ thái độ thù địch?”

Ông Putin nói thêm rằng NATO đã lừa dối Nga khi hứa sẽ không mở rộng đến sát biên giới nước này.

Theo ông Putin, Nga đã làm mọi cách để trở thành bạn với phương Tây, tiết lộ bí mật hạt nhân của mình cho phương Tây. Nhưng như vậy dường như vẫn chưa đủ. “Tại sao họ lại làm tổn hại đến Nga bằng việc tài trợ cho khủng bố ở Caucasus? Sau đó là 5 lần NATO mở rộng quy mô, và họ tuyệt đối không quan tâm đến những mối lo ngại của Nga.”

Nước Nga chỉ muốn được an toàn, ông Putin nhấn mạnh.

Thư ký báo chí Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov (ngồi ghế) theo dõi cuộc họp báo. Có lúc ông Peskov phải nhắc các phóng viên không hét lên khi đặt câu hỏi cho tổng thống. Ảnh: RT

Hợp tác quốc phòng với Trung Quốc

Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên, Tổng thống Putin cho biết Nga và Trung Quốc đang hợp tác phát triển vũ khí tối tân.

“Quân đội Trung Quốc được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất. Chúng tôi thậm chí đang phát triển vũ khí công nghệ cao cùng nhau”, ông Putin nói.

Theo Tổng thống Nga, hai nước cũng “tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang”, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung, hoạt động tuần tra chung trên biển và trên không.

Người dân Donbass tự quyết định tương lai của mình

Người dân khu vực ly khai Donbass (miền Đông Ukraine) sẽ tự quyết định tương lai của mình, ông Putin nói, đồng thời khẳng định Nga không phải là một bên tham gia cuộc xung đột này, trái ngược với cáo buộc của nhiều người. “Những người Ukraine đổ lỗi cho Nga về các vấn đề của họ nên quy trách nhiệm cho các quan chức mà họ bầu ra.”

Theo ông Putin, lộ trình giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine được nêu chi tiết trong thỏa thuận Minsk, nhưng Ukraine từ chối tuân thủ. Họ không đối thoại với các lãnh đạo ở Donbass, thậm chí còn gọi những người này là khủng bố. Vì sao? Vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã quay lưng với lời hứa tìm kiếm hoà bình.

Ảnh: Sputnik

Nga muốn xây dựng quan hệ hoà bình với Ukraine, ông Putin khẳng định, nhưng không tìm ra cách để hiện thực hoá điều này khi chính quyền hiện tại còn đang nắm quyền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp cận Nga và hỏi ý kiến của nước này về cách giải quyết căng thẳng giữa hai quốc gia. Mátxcơva đã làm những gì được yêu cầu, và hy vọng các đề xuất của họ sẽ được xem xét một cách nghiêm túc.

(tiếp tục cập nhật)

Theo Tass