"Chúng tôi kêu gọi các đối tác trên toàn cầu thể hiện sự cảnh giác và hạn chế tham gia các diễn đàn như vậy để không bị lôi kéo vào những hành động chống lại Nga của Kiev và phương Tây, vốn không nhằm mục đích hòa bình mà nhằm tiếp tục đối đầu với Nga".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết Bern đã mời hơn 160 phái đoàn đến dự hội nghị về Ukraine, bao gồm các phái đoàn từ những nước thuộc nhóm các nước phát triển G7, nhóm các nền kinh tế lớn G20 và nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Nga chưa được mời nhưng cũng từng nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia. Vào tháng 3, Trung Quốc cho biết đang xem xét khả năng tham gia hội nghị hòa bình. Tuy nhiên, tờ Politico sau đó đưa tin Bắc Kinh có thể sẽ không góp mặt nếu không có Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga từng giải thích rằng, kế hoạch của ông Zelensky bao gồm một số điều khoản phi thực tế, như việc rút quân Nga về biên giới Ukraine năm 1991, buộc Mátxcơva phải chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường, cũng như các điều khoản về lương thực, an toàn hạt nhân, năng lượng, sinh thái và các vấn đề nhân đạo.
Bà Zakharova cho biết các yêu cầu cơ bản của Kiev vẫn được giữ nguyên, trong khi lợi ích hợp pháp của Nga đang bị phớt lờ. "Vì vậy hội nghị sắp tới là sự tiếp nối của các cuộc họp theo hình thức Copenhagen, giờ đã đi vào ngõ cụt". Người phát ngôn khẳng định Mátxcơva tin chắc rằng "Thụy Sĩ khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực hòa bình khác nhau, vì điều này đòi hỏi phải một vị thế trung lập mà Bern đã đánh mất”.
Đại sứ quán Nga tại Thụy Sĩ hôm 2/5 nói với hãng thông tấn Tass rằng việc khởi động tiến trình hòa bình trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Nga.
"Chúng tôi đã biết về báo cáo của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ. Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi: Thật vô nghĩa khi nói về việc khởi động tiến trình hòa bình mà không có sự tham gia của Nga”, thông cáo của Đại sứ quán nêu rõ. "Việc tổ chức hội nghị hòa bình trên thực tế là thúc đẩy 'công thức hòa bình' nổi tiếng của Kiev, vốn là một tập hợp các tối hậu thư".
Đại sứ quán Nga khẳng định: "Chúng tôi không chấp nhận các tối hậu thư".
Mục đích của hội nghị ngày 15-16/6 tới tại Burgenstock, như đã trình bày bởi phía Thụy Sĩ, là để “đưa tiến trình hòa bình trong tương lai đến gần hơn và phát triển các bước đi thực tế hướng tới hòa bình”. Thụy Sĩ nói rằng tất cả những nước tham gia "sẽ có thể bày tỏ ý tưởng và tầm nhìn về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine".