Nga hoàn thiện bản cập nhật học thuyết hạt nhân

TPO - Phiên bản cập nhật của học thuyết hạt nhân Nga đã được hoàn thiện và hiện đang trải qua các bước cần thiết để trở thành luật, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov. (Ảnh: Tass)

Những nội dung cập nhật được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất hôm 25/9. Theo ông Putin, học thuyết hạt nhân nên coi hành vi tấn công nhằm vào Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào - có sự hỗ trợ hoặc tham gia của một quốc gia hạt nhân - là vượt qua "lằn ranh đỏ".

Tuyên bố này ngụ ý rằng, các quy tắc mới sẽ áp dụng cho một cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tiên tiến do Mỹ, Anh hoặc Pháp cung cấp.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Mátxcơva cũng sẽ "cân nhắc" sử dụng biện pháp hạt nhân nếu có "thông tin đáng tin cậy" về nguy cơ xảy ra một cuộc không kích hoặc tấn công tên lửa lớn mà một quốc gia khác tiến hành nhằm vào Nga, hoặc đồng minh thân cận nhất - Belarus. Vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công tiềm tàng của đối phương có thể bao gồm bất kỳ vũ khí gì, từ tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, đến máy bay chiến lược và máy bay không người lái.

"Phiên bản cập nhật của học thuyết đã sẵn sàng và đang được thông qua", ông Peskov nói với phóng viên Pavel Zarubin trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào Chủ nhật (29/9).

Ông giải thích rằng, mặc dù Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo về việc leo thang trong hai năm qua, nhưng "phương Tây vẫn tiếp tục những chính sách có thể gây ra hậu quả rất tiêu cực cho mọi người".

"Chúng tôi thấy rằng mức độ can dự của các quốc gia phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine đang không ngừng gia tăng. Họ không có bất kỳ sự kiềm chế nào. Họ tuyên bố ý định tiếp tục để đảm bảo chiến thắng cho Ukraine”, người phát ngôn nhấn mạnh, đồng thời cho biết trong bối cảnh như vậy, Nga “phải đưa ra quyết định và chúng tôi phải sẵn sàng thực hiện chúng”.

Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý, rằng việc áp dụng học thuyết và thời điểm áp dụng "sẽ do quân đội Nga quyết định".

Nga nhiều lần tuyên bố không muốn chiến tranh hạt nhân, nhưng sẽ sử dụng những vũ khí như vậy trong trường hợp chủ quyền quốc gia bị đe dọa.

Theo RT