Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Viktor Esin nói rằng, tên lửa này sẽ thay thế tên lửa mạnh nhất của Nga hiện nay là tổ hợp tên lửa đạn đạo RS-20V Voevoda.
Tổ hợp tên lửa này đã được biên chế hơn 25 năm, mỗi tên lửa có thể phóng được các đầu đạn hạt nhân với tổng trọng lượng 10 tấn đi một chặng đường dài hơn 11.000km, trang tin Izvestia dẫn lời ông Esin cho biết.
Tuy nhiên, Nga vẫn cần thay thế tổ hợp tên lửa Voevoda. Những yêu cầu hàng đầu cho thế hệ tên lửa mới đó chính là khả năng tối ưu hóa nhiên liệu và vượt qua được các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ, ông Esin cho biết.
Chuyên gia này cho rằng, tên lửa liên lục địa mới của Nga sẽ có khả năng tấn công mục tiêu bằng cách phóng qua cả cực Bắc và cực Nam của Trái Đất, do đó tầm bắn cũng phải tăng đáng kể so với tên lửa đời trước. Ngoài ra, một tên lửa này cũng cần được trang bị khả năng để có thể vượt qua bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nói rằng, tên lửa mới sẽ có tầm bắn vượt 11.000km. Giới chuyên gia cho rằng, điều này là hoàn toàn có thể nhờ Sarmat có thiết kế và công thức nhiên liệu cải tiến.
Thông thường, các tên lửa của Nga sẽ được phóng từ khu thử nghiệm Plesetsk và đi tới vùng Kura ở miền nam nước này. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với tên lửa có tầm bắn không quá 7.000km, trong khi đó nhiều tên lửa chiến thuật của Nga có tầm bắn hơn 12.000km.
Trong trường hợp này, quân đội Nga phải phóng tên lửa từ phía bắc đến vị trí gần quần đảo Hawaii của Mỹ. "Một cuộc thử nghiệm như vậy là rất khó, nhưng cần thiết", ông Esin nói. Thực tế bài thử nghiệm "vận tốc tối đa" luôn là một trong những phần thử nghiệm khó nhất đối với hầu hết các tên lửa trước đây của Nga.
Năm 2008, Nga từng phóng thử tên lửa R-29RMU2 Sineva và đạt kỷ lục thế giới về tầm bắn của tên lửa loại này là 11.500km. Tên lửa này được phóng đi từ biển Barents và bay tới khu vực phía tây Hawaii.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định việc trang bị Sarmat là sự đáp trả lại chiến lược “Đòn tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ và đảm bảo sự cân bằng chiến lược hạt nhân giữa hai cường quốc này.
Đánh giá về khả năng chiến đấu của Sarmat, ông Borisov cho biết, việc sử dụng các quỹ đạo phóng qua hai cực của Trái đất buộc Mỹ phải tái triển khai lại hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp không chỉ ở các hướng tiếp giáp với Nga, mà là bao quanh lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, tất cả hiện vẫn chỉ là trên lý thuyết trước khi Nga có thể biên chế Sarmat theo kế hoạch vào năm 2018.