Nga đưa hàng loạt hệ thống phòng không tối tân đến Trung Quốc

TPO - Truyền thông Nga đưa tin, nước này sẽ giới thiệu các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf, S-350 Vityaz, Buk-M3 Viking tại Triển lãm Hàng không Chu Hải lần thứ 15 của Trung Quốc, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 17/11.

Văn phòng báo chí của Tập đoàn Almaz-Antey ngày 8/11 cho biết, Triển lãm Hàng không Chu Hải lần thứ 15 (Airshow China 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 17/11 tại Chu Hải, Trung Quốc. Tại triển lãm, các mẫu hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf, hệ thống tên lửa phòng không S-350E Vityaz và hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 Viking sẽ được trưng bày.

Ngoài ra, các hệ thống phòng không tầm ngắn Tor, hệ thống phòng không Tunguska-M1, Typhoon-PVO MANPADS, các mô hình trạm radar Casta-VME, Podlet-K1KE, Gamma S1TE... cũng sẽ được ngành công nghiệp quốc phòng Nga giới thiệu trong khuôn khổ cuộc triển lãm.

Thông báo được Nga đưa ra sau khi máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 của nước này hạ cánh xuống Trung Quốc để lần đầu tiên tham gia một cuộc triển lãm hàng không ở nước ngoài.

Theo thông báo, đại diện Tập đoàn Almaz-Antey sẽ thảo luận với các đối tác và khách hàng tiềm năng về việc hiện đại hóa hệ thống phòng không, bảo trì và sửa chữa những thiết bị quân sự đã được Nga chuyển giao trước đó, cũng như đào tạo vận hành và sử dụng khí tài.

Là triển lãm hàng không hai năm một lần lớn nhất của Trung Quốc, Triển lãm Hàng không Chu Hải được đánh giá là sự kiện thu hút sự quan tâm của giới quân sự trong nước và quốc tế.

Theo các nhà quan sát quân sự, đây sẽ là cơ hội để Nga giới thiệu một số hệ thống phòng không hiện đại trong kho vũ khí của nước này. Một số chuyên gia suy đoán, việc Nga đưa các hệ thống phòng không tối tân đến Trung Quốc cho thấy Moscow đang định vị hệ thống phòng không của nước này trước những đối tác tiềm năng, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu mà Nga đã tích lũy được trong cuộc xung đột với Ukraine.

S-400 được xem là một trong những hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới, có khả năng đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách xa, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Một khẩu đội S-400 bao gồm hệ thống chỉ huy và kiểm soát, một radar giám sát, một radar tham chiến và bốn đơn vị phóng TEL (Transporter Erector Launcher). S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và bắn hạ 36 mục tiêu cùng lúc.

Tên lửa được tích hợp cho hệ thống này bao gồm: 48N6DM (48N6E3) có trọng lượng 1,8 tấn trong đó đầu đạn nặng 180 kg. Với hệ thống đẩy mạnh mẽ, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không trong phạm vi 250km. Trong khi đó, tên lửa 40N6 có tầm bắn 400 km và sử dụng radar chủ động dẫn đường để đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách rất xa.

Trong khi đó, S-350 Vityaz là hệ thống phòng không di động hàng đầu của Nga, được chế tạo để đánh chặn và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không, như: Máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Một tổ hợp chiến đấu của Vityaz gồm 1 xe chỉ huy - điều khiển 50K6E, 1 - 2 xe radar đa chức năng 50N6E và 1 - 8 xe mang phóng tự hành 50P6E (mỗi xe mang tới 12 tên lửa). Số lượng mục tiêu khí động học có thể bắn trúng đồng thời tối đa là 16, mục tiêu đạn đạo là 12. Tầm bắn tối đa là 70 km, độ cao là 30 km.

Buk-M3 là biến thể tiên tiến nhất của dòng hệ thống tên lửa Buk, do Tập đoàn Almaz-Antey phát triển từ những năm 1990. Năm 2016 Buk-M3 được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga.

Hệ thống này được thiết kế để chống lại vô số mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay trực thăng cũng như máy bay không người lái.

Buk-M3 sử dụng tên lửa 9M317M mới với tầm bắn được tăng lên và hiệu suất tổng thể được nâng cao so với các phiên bản trước đó. Tên lửa có trọng lượng 795 kg với khối lượng đầu đạn nặng 62 kg, có khả năng tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không ở cự ly từ 2,5 đến 70 km, tốc độ 3.000 m/s ở độ cao từ 15 m đến 35 km.


Theo RIA Novosti