Nga cảnh báo về một thảm họa hạt nhân kinh hoàng hơn vụ Chernobyl

TPO - Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/8 cho biết việc quân đội Ukraine bắn phá nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là một hành động khủng bố có thể gây ra một thảm họa làm lu mờ sự cố Chernobyl năm 1986.

“Trong những ngày gần đây, các lực lượng Ukraine đã liên tục pháo kích nhà máy hạt nhân Zaporozhye. Đây là một hành động khủng bố hạt nhân. Những hành động như vậy có thể dẫn đến một thảm họa quy mô lớn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn sự cố tại nhà máy Chernobyl”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – Ivan Nechaev nói trong một cuộc họp báo tại Mátxcơva.

Theo nhà ngoại giao này, nếu một thảm họa như vậy xảy ra, phóng xạ sẽ không chỉ đe dọa các khu vực lân cận ở Ukraine, Nga, Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, mà còn ảnh hưởng đến các nước châu Âu khác, khiến hàng triệu người gặp rủi ro.

Nechaev cho biết ông hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ chú ý đến tình hình tại địa điểm này. “Chúng tôi ủng hộ việc tổ chức một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA tới Zaporozhye. Kế hoạch này đã bị gián đoạn vào tháng 6 do quyết định của cơ quan An toàn và An ninh thuộc Ban Thư ký Liên Hợp Quốc.”

Trước đó cùng ngày, các quan chức Zaporozhye tuyên bố rằng hệ thống phòng không Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào nhà máy và thành phố Energodar gần đó.

“Quân đội Ukraine đang cố gắng tấn công bằng pháo phản lực phóng loạt MLRS, pháo hạng nặng và máy bay không người lái tấn công”. Vladimir Rogov, một thành viên của hội đồng chính quyền quân sự-dân sự Vùng Zaporozhye cho biết. Ông nói thêm rằng tất cả các cuộc tấn công đã bị đẩy lùi và các vị trí của quân đội Ukraine đã bị trúng hỏa lực phản công.

Hôm 10/8, nhóm các nước G7 đã ra tuyên bố chung yêu cầu Nga “lập tức trao lại toàn quyền kiểm soát nhà máy Zaporozhye cho chủ sở hữu hợp pháp là chính quyền Ukraine”. Theo các nhà ngoại giao, động thái này là cần thiết để đảm bảo “sự an toàn và bảo mật của cơ sở”. Trên hết, G7 một lần nữa kêu gọi Nga “rút quân khỏi Ukraine, tôn trọng lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.

Trước đó một ngày, Mátxcơva triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về “các hành động khiêu khích của Ukraine”, ám chỉ một loạt các cuộc pháo kích nhằm vào nhà máy trong những ngày gần đây.

Kiev phủ nhận cáo buộc và cho rằng Nga đã tự nã pháo vào cơ sở này để đổ lỗi cho Ukraine. Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine cũng cáo buộc Mátxcơva sử dụng nhà máy điện này như một căn cứ quân sự, lưu trữ vũ khí hạng nặng và tập trung binh sĩ.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không thể tiếp cận nhà máy này kể từ khi xung đột Nga – Ukraine leo thang vào cuối tháng 2, và chỉ có thể dựa vào các báo cáo từ Ukraine để đánh giá tình hình trên thực địa. Nhà máy Zaporozhye hiện vẫn do các công nhân Ukraine vận hành dù nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Nhà máy Zaporozhye là nhà máy lớn nhất châu Âu, lưu trữ hàng chục tấn uranium và plutonium đã được làm giàu trong các lõi lò phản ứng và kho dự trữ nhiên liệu đã qua sử dụng, theo IAEA.

Mátxcơva kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tận dụng quyền hạn của mình để đẩy nhanh chuyến thăm của IAEA. Tuần trước, ông Guterres nói rằng “bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhà máy hạt nhân đều là hành động tự sát”.

Theo RT