“Sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí Mỹ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới cũng sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của chúng tôi”, ông Ryabkov giải thích ngày 25/11.
Căng thẳng đã gia tăng kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm 2019. Sau đó, Nga cũng rút khỏi hiệp ước này. Hiệp ước INF cấm cả hai nước triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên bộ mới có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Mátxcơva đã nhiều lần chỉ trích quyết định rút khỏi hiệp ước INF của Washington. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là một "sai lầm".
Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng bất kỳ đợt triển khai mới tiềm năng nào của Nga cũng sẽ được thúc đẩy bởi các hành động của Mỹ. Ông tuyên bố Mátxcơva sẽ không cho phép an ninh của mình bị xâm phạm.
Ông cũng tuyên bố rằng tên lửa siêu thanh Oreshnik mới được Nga đưa vào sử dụng, vốn không nằm trong các hiệp ước vũ khí hiện hành, là một ví dụ về cách Mátxcơva đang tăng cường năng lực răn đe của mình.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev gợi ý, rằng Điện Kremlin có thể cân nhắc trao đổi thông tin hạt nhân với các đối thủ của phương Tây để đáp trả Mỹ.
"Cần cân nhắc xem chúng ta có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho đối thủ nào của Mỹ", ông Medvedev cho biết trong một tuyên bố trên kênh Telegram.
Phát biểu được ông Medvedev đưa ra sau khi Nga cập nhật học thuyết hạt nhân, trong đó nêu rõ bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước này bởi một quốc gia phi hạt nhân bằng vũ khí do một cường quốc hạt nhân cung cấp sẽ được coi là một cuộc tấn công chung, có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân của Nga.
Tờ New York Times đưa tin hôm 22/11, rằng các quan chức phương Tây đã đề xuất với Tổng thống Mỹ Joe Biden về khả năng hỗ trợ Ukraine lấy lại vũ khí hạt nhân mà nước này đã giao nộp sau khi Liên Xô sụp đổ.