Hãng Tass dẫn nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, thay vào việc phát triển tổ hợp tên lửa trên tàu hỏa Barguzin, Nga quyết định tập trung vào các dự án tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và Rubezh.
Theo thông tin từ hãng Rg.ru trước đó, vấn đề xây dựng đoàn tàu tên lửa thế hệ mới đã kết thúc, ít nhất là trong tương lai gần.
Nguồn tin của Tass nhấn mạnh, việc chế tạo tên lửa này đã bị đóng băng từ mùa thu năm ngoái, còn các công việc gần đây nhất về vấn đề này đó là việc thử nghiệm tên lửa Yars tại sân bay vũ trụ Plesetsk.
Đoàn tàu nguyên tử sẽ không được đưa vào Chương trình vũ khí quốc gia mới tới năm 2027. Nguyên nhân của nó là việc thiếu các phương tiện tài chính, không đủ tiền cho toàn bộ chương trình tên lửa quốc gia dành cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, nên hệ thống Barguzin đã phải tạm thời ngừng chế tạo, nguyên nhân cũng còn do các tổ hợp tên lửa Sarmat và RS-26 Rubezh được đưa vào Chương trình vũ khí quốc gia mới”, nguồn tin cho biết.
Tháng 5/2016, một nguồn tin khác trong Bộ Quốc phòng cho TASS biết, việc soạn thảo các văn bản thiết kế cho Barguzin đã hoàn thành và đã bắt đầu chế tạo các bộ phận riêng lẻ của hệ thống. Khi đó, dự định tới đầu năm 2020, trong thành phần Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ xuất hiện một sư đoàn mới số 13 theo thứ tự với 5 trung đoàn có các tổ hợp này.
Barguzin, Sarmat và Rubezh
Việc chế tạo tổ hợp Barguzin đã được bắt đầu từ năm 2013 theo lệnh của Tổng thống Putin. Dự kiến, mỗi tổ hợp sẽ gồm 6 bệ phóng tên lửa nhiên liệu rắn Yars. Yars nặng 50 tấn, dài 22,5m, được đặt vừa trong một xe vận tải dài 24m với tải trọng 60 tấn. Một đoàn tàu tương đương với một trung đoàn, tất cả dự tính sẽ có 5 trung đoàn trong một sư đoàn tên lửa.
Việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu lỏng bố trí trong bệ phóng mang tên Sarmat đồng thời cũng đã được bắt đầu, nó sẽ thay thế cho tên lửa R-36M2 đang được trang bị. Tải trọng của nó đạt 10 tấn so với 8,75 tấn của tên lửa tiền nhiệm.
Như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yuriy Borisov thông báo trước đó, việc phóng thử lần đầu tiên tên lửa Sarmat phải được thực hiện trong cuối năm 2017. Theo ông, tên lửa này thực sự mạnh, nó có thể bay tới các mục tiêu không chỉ qua Bắc Cực, mà qua Nam Cực, tức là thực tế nó có tầm hoạt động toàn cầu.
Cũng khi đó, việc chế tạo hệ thống tên lửa di động trên đất liền với việc sử dụng tên lửa RS-26 Rubezh đã được bắt đầu, đây được coi là sự phát triển từ tên lửa RS-24 Yars với các block chỉ huy chiến đấu mới cho phép phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tên lửa này có tầm bay xa tối đa là 12.000 km, nhưng nó có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách từ 2.000 – 6.000 km (theo phía Mỹ, điều này vi phạm Thỏa thuận cắt giảm tên lửa tầm gần và tầm trung). Tên lửa này đã được trang bị cuối năm 2016.