Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa T.Ư:
Nếu không sửa thì Đảng không còn động lực
Gợi lại tinh thần trong mỗi Đảng viên
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 4, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và lưu ý nhiều đến tự phê bình và phê bình. Đây là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất. Với hơn 60 năm tuổi Đảng, ông suy nghĩ gì?
Các giải pháp nêu lên ở Hội nghị T.Ư 4 vừa rồi thì giải pháp đầu tiên là tiến hành đấu tranh tự phê bình và phê bình, chắc chắn là phải như thế. Với việc này, nếu chúng ta đọc trong diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư cũng đã nói một đoạn rất dài và cho rằng đây là một việc khó khăn, phức tạp.
Là một Đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng, tôi cho rằng, việc tự phê bình và phê bình của chúng ta hiện nay tác dụng không cao, không có vụ tham nhũng nào do chi bộ tự đấu tranh phát hiện. Tôi thực sự hết sức lo lắng. Phê bình và tự phê bình không có hiệu quả vì phê bình cấp trên thì sợ bị trù úm, phê bình ngang cấp thì sợ mất đoàn kết còn phê bình cấp dưới thì sợ bị mất phiếu bầu.
Nếu chúng ta hiểu rằng tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc quan trọng bảo đảm sự tồn tại và phát triển của Đảng, mà nó không hiệu quả thì trên thực chất Đảng không còn động lực để tự phát triển, nhất là trong hoàn cảnh Đảng độc quyền lãnh đạo.
Tôi rất đồng tình với đồng chí Tổng Bí thư, tự phê bình và phê bình hết sức khó vì bao giờ cũng vậy, đây là việc đấu tranh nội bộ, đấu tranh với chính mình. Những nhận thức về mình bao giờ cũng khó hơn nhận thức về bên ngoài. Đấu tranh với chính mình, với đồng chí của mình bao giờ cũng rất khó khăn.
Ông có thể nói cụ thể hơn vì sao tự phê bình và phê bình chưa thực sự hiệu quả?
Tinh thần tự phê bình và phê bình hiện nay dễ rơi vào hai trạng thái xuê xoa, dĩ hòa vi quý hoặc là đấu đá để hạ bệ nhau. Và cả hai hướng này đều không đúng với tinh thần tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng.
Điều này có nguyên nhân từ trong đặc tính truyền thống văn hóa của dân tộc, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười để có thể đoàn kết với nhau, sống với nhau. Nhưng chữ “hòa” có thể trở thành “hòa cả làng”, tức là không ai đụng chạm tới ai.
Ngoài ra, còn một mặt cũng rất dễ xảy ra là, bởi vì anh nào cũng “dính” một tý khuyết điểm cho nên nếu anh “moi” tôi thì tôi cũng “moi” anh, tốt nhất là im lặng. Dẫn đến châm chước cho nhau, mà như thế thì hại cho tổ chức, cho Đảng.
Vì vậy trong cuộc đấu tranh này thì vấn đề lớn nhất là phải khơi gợi được tinh thần tự phê bình và phê bình trong mỗi Đảng viên.
Phải bắt đầu từ cấp cao
Như vậy, theo ông chúng ta phải đổi mới ra sao để tự phê bình và phê bình thực chất, hiệu quả hơn?
Trong di chúc của Bác Hồ đã nói đến hai điều trong công tác xây dựng Đảng. Thứ nhất là phải dân chủ rộng rãi. Dân chủ có quy chế, việc gì thì cấp nào thảo luận và quyết định nhưng Bác dặn “dân chủ rộng rãi” tức là vượt qua quy chế dân chủ thông thường trong Đảng vì càng hỏi ý kiến rộng rãi, càng có thêm thông tin để quyết định chính xác.
Thứ hai là thường xuyên và nghiêm túc phê bình và tự phê bình, tôi sinh hoạt trong Đảng tôi biết, thường xuyên thì nhiều nơi thực hiện thường xuyên nhưng thực tế thì không nghiêm túc. Chúng ta không làm đến nơi đến chốn.
Như tôi đã nói, nếu phê bình cấp trên thì sợ bị trù úm, mà trù úm ở ta nhiều kiểu, người ta còn để bụng để trù úm về sau chứ không nhất thiết phải làm ngay trước mặt cho mọi người biết. Vậy phải có cơ chế bảo vệ người phê bình. Rồi phê bình với nhau thì sợ mất đoàn kết, mà thông thường khi xảy ra mất đoàn kết thì không phân biệt phải trái, lại xử lý cả hai bên, người phải cũng bị xử lý mà người trái cũng bị xử lý còn phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu, vì vậy đến kỳ đại hội không phải sợ trên đâu mà sợ cả dưới, sợ mất phiếu.
Nói cho cùng thì cũng là chỉ nghĩ cho cá nhân mình. Do vậy, từng người phải tìm mọi cách để vượt qua cửa ải “cá nhân chủ nghĩa” thì mới đến được sự tự phê bình và phê bình chân chính, trung thực.
Tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt nhất, vậy theo ông phải bắt đầu từ đâu?
Tự phê bình và phê bình là điều đầy khó khăn và với những người Đảng viên lâu năm như tôi thì muốn sự trung thực, nghiêm túc bắt đầu từ các đồng chí trong Bộ Chính trị, BCH T.Ư. Những chủ trương của các đồng chí đều động đến quốc gia, những sai phạm về phẩm chất của các đồng chí dễ ảnh hưởng đến uy tín của toàn Đảng cho nên sự trung thực trong tự phê bình và phê bình phải bắt đầu từ các đồng chí trong Bộ Chính trị, từ các đồng chí Trung ương. Từ tấm gương đó các đồng chí mới có điều kiện để kiểm tra các cấp bộ Đảng.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi sự cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại”. Cho nên các đồng chí trung ương nên tự phê bình nghiêm khắc trước Đảng, làm gương cho các cấp ủy Đảng noi theo. Đó là những ý kiến chân thành của tôi.
Chúng ta đều hiểu là việc này không dễ nhưng nếu thực tâm thì chúng ta có thể làm được. Khi còn tham gia BCH Trung ương, tôi nhớ trong khóa VIII, trung ương đã thẳng thắn phê bình đồng chí Tổng Bí thư và ba đồng chí cố vấn và ra kết luận về các đồng chí đó. Nhưng sau đó chúng tôi vẫn sống với nhau rất thoải mái. Tôi nhắc lại là dù khó thế nhưng nếu chân thành vì Đảng, vì đồng chí, quyết tâm thì vẫn làm được tốt.
Cảm ơn ông.
Tinh thần tự phê bình và phê bình hiện nay dễ rơi vào hai trạng thái xuê xoa, dĩ hòa vi quý hoặc là đấu đá để hạ bệ nhau. Và cả hai hướng này đều không đúng với tinh thần tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng
Còn tiếp