Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017

Nếu bạn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau

TP - “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”, Đặng Thị Thanh Thương, đại diện thanh niên Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017 diễn ra ngày 6/11 tại Đà Nẵng, để rồi nhận được những tràng pháo tay không ngớt của 180 đại biểu thanh niên thuộc 17 nền kinh tế thành viên APEC.
Anh Nguyễn Long Hải - Bí thư T.Ư Đoàn (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC, do Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp Ban thư ký quốc gia APEC 2017, Ban tổ chức quốc tế VOF tổ chức, hôm qua bước vào ngày làm việc đầu tiên sôi động với phần thảo luận, đối thoại cùng các chuyên gia quốc tế về các vấn đề kinh tế - xã hội

Tại phiên khi mạc, anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, phát biểu, chưa bao giờ thanh niên APEC lại đứng trước nhiều thời cơ, thách thức như hiện nay. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức cùng với những thành tựu của khoa học, công nghệ khiến cuộc sống trở nên thuận lợi hơn, tốt đẹp hơn. Chúng ta có nhiều cơ hội xích lại gần nhau, hiểu nhau và hợp tác với nhau nhiều hơn vì sự phồn vinh của mỗi nền kinh tế nói riêng và của thế giới nói chung. Sự giao thoa của các nền kinh tế và giao lưu văn hóa làm cho thanh niên chúng ta có nhiều cơ hội để học hỏi, chia sẻ kiến thức về đất nước, con người và văn hóa của các nền kinh tế trên thế giới.

Theo anh Hải, bên cạnh những cơ hội phát triển, các nền kinh tế, các khu vực đều đang phải đối mặt nhiều thách thức đan xen, đa chiều, nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cạnh tranh địa chính trị, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, nghèo đói, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững và bao trùm. Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC lần này là cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của thanh niên từ các nền kinh tế APEC.

Cùng cố gắng vì mục tiêu chung

Ông James Soh, đồng Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo tiếng nói APEC, cho biết, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” do chủ nhà Việt Nam lựa chọn hoàn toàn phù hợp với thế hệ trẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi thanh niên phát huy sự sáng tạo, tính năng động, và được nuôi dưỡng theo đúng hướng, họ chính là động lực cho tương lai mỗi quốc gia. Khi thế giới ngày càng gắn kết, tương lai của chúng ta sẽ hòa quyện, đan xen vào nhau. Các nhà lãnh đạo trẻ của 21 nền kinh tế thành viên APEC phải công nhận rằng, tất cả chúng ta cùng chung một tương lai - tương lai của chúng ta thế nào phụ thuộc vào những gì chúng ta làm hôm nay. Chỉ khi nào chúng ta cùng cố gắng đạt được một mục tiêu chung, chúng ta mới gặt hái được thành quả thịnh vượng chung và tăng trưởng của các quốc gia.

Diễn đàn sôi động với cuộc đối thoại cùng TS  Noeleen Heyzer - nguyên Phó tổng thư ký LHQ và Thư ký điều hành Ủy ban Liên Hợp Quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo TS Heyzer, thế hệ trẻ đang phải đối mặt nhiều thách thức của thiên tai, biến đổi khí hậu, do đó cần phải hành động ngay từ bây giờ. Là những nhà lãnh đạo tương lai, các bạn trẻ cần có hoạch định đối mặt những thử thách đó. Ngoài ra, theo bà Heyzer, sức khỏe, nghèo khổ cũng là vấn đề đang được thế giới quan tâm và đấu tranh. Nhiều người đang thiếu việc làm, không có tương lai. Do đó, thế hệ trẻ cần cố gắng nói lên tiếng, đối thoại để mọi người chung tay chung sức. “Các bạn đang có rất nhiều cơ hội quý giá. Tận dụng chúng, chắc chắn các bạn sẽ thành công. Nhưng các bạn nên nhớ rằng có những thứ, thậm chí chỉ cơ hội được học hành thôi nhiều người cũng không có. Vì vậy, các bạn cố gắng dùng tiếng nói của mình để bảo vệ cho cả những người không có cơ hội ấy. Là tiếng nói của nhân dân, các bạn hãy sống cùng thông điệp của tôi “Không bỏ lại ai phía sau”, bà Heyzer nói.

Đặng Thị Thanh Thương cho rằng, về vấn đề phát triển nhân lực trong thời đại công nghệ, đang có sự thiếu cơ hội và thiếu công bằng giữa thế hệ thanh niên của các nền kinh tế, do đó cần phải xây dựng hệ thống trường đại học APEC được chuẩn hóa bởi APEC. Những trường đại học này phải cam kết đáp ứng được các tiêu chuẩn giáo dục của APEC, cung cấp cho sinh viên cơ hội trao đổi trong phạm vi hệ thống. Đồng thời kiến nghị tạo một cơ sở dữ liệu giúp sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm công việc ở nước ngoài.

Chủ đề khởi nghiệp cũng được các bạn trẻ trong cộng đồng APEC đặc biệt quan tâm. Theo đại diện của Việt Nam, việc khởi nghiệp của các bạn trẻ hiện nay gặp khó là sự thiếu hụt cả về năng lực quản lý điều hành cũng như cơ hội hợp tác. Không phải tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều được định đướng và đi đúng đường trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ những nhận định đó, đại diện thanh niên Việt Nam đề xuất thành lập một phòng, ban tổ chức các tuần lễ doanh nghiệp trẻ để nâng cao khả năng cạnh tranh và sự sáng tạo của doanh nhân trẻ. Tuần lễ sẽ cung cấp cho họ các khóa đào tạo và mạng lưới kinh doanh. Ngoài ra, mạng lưới doanh nghiệp khu vực nên hỗ trợ họ về tài chính, giảm bớt gánh nặng tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện đến từ Papua New Guinea, Crystal Kiliwango Artango, chia sẻ, khởi nghiệp là vấn đề khá mới mẻ tại Papua New Guinea, vì vậy, chủ đề này hết sức thú vị, sẽ cố gắng để tham gia tốt nhất và học hỏi kinh nghiệm để có thể chia sẻ lại tinh thần này với các bạn thanh niên nước mình khi diễn đàn kết thúc.

Bên lề diễn đàn, Liam Harrison Simkins-Walker, đại biểu thanh niên Mỹ, nói rằng, thanh niên Mỹ mong muốn các đại diện trẻ đến từ các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ, cùng nhau bàn bạc để hiểu nhau hơn. Khi đã hiểu nhau thì chúng ta sẽ có những lợi thế, cùng sát cánh để cùng vun đắp tương lai thịnh vượng.