Nếu bạn bị nhiễm biến thể Omicron, có nên tiêm mũi vắc xin tăng cường?

TPO - Khi biến thể Omicron gia tăng trên toàn thế giới, lây nhiễm cho nhiều người đã tiêm 2 mũi vắc xin (Pfizer hoặc Moderna) hoặc một liều Johnson & Johnson, nhiều người mắc biến thể Omicron lo lắng không biết có nên tiêm mũi tăng cường hay không và tiêm khi nào sau khi đã âm tính với SARS-CoV-2.

Tiêm mũi tăng cường vì nó tăng khả năng bảo vệ lên 37% ngay cả khi bạn đã nhiễm biến thể Omicron.

Các chuyên gia Mỹ trả lời ngắn gọn là nên tiêm. Bạn vẫn nên tiêm mũi tăng cường, nhưng có thể cần đợi ít nhất vài tuần để vắc xin phát huy tối đa tác dụng bảo vệ.

Thời gian nên tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi bạn đã mắc biến thế Omicron

Nếu bạn chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường và sau đó bị nhiễm biến thể Omicron, CDC Mỹ khuyên bạn nên đợi cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm và hoàn thành việc cách ly. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không xuất hiện các triệu chứng có thể được tiêm mũi tăng cường ngay sau khi hoàn thành thời gian cách ly.

Bác sĩ Sharon Nachman, trưởng khoa các bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Stony Brook ở New York, Mỹ cho rằng, trừ bệnh nhân nhập viện, các bệnh nhân mắc COVID-19 mất khoảng 2 tuần để hồi phục. Bác sỹ này nói rằng, hãy đợi ít nhất hai tuần để hết các triệu chứng và kết thúc thời gian cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, bởi vì hầu hết mọi người đều có phản ứng miễn dịch tốt với vắc-xin, việc tiêm vắc xin khi bạn đang nhiễm bệnh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến cơ thể căng thẳng hơn.

Tại sao biến thể Omicron lại khác biệt?

Omicron khác với các "biến thể đáng lo ngại" trong quá khứ vì nó có thể dễ dàng lây nhiễm cho cả những người đã tiêm chủng đầy đủ và những người đã bị nhiễm các biến thể COVID-19 trước đó.

Và trên thực tế, dữ liệu gần đây được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy những đột biến này thực sự làm cho Omicron có khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch tốt hơn . Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc-xin Pfizer-BioNTech chống lại việc nhập viện giảm mạnh từ 93% đến 70% so với nhiễm biến thể Delta.

Một lý do khác làm giảm phản ứng miễn dịch đối với biến thể Omicron là khả năng miễn dịch suy giảm. Một nghiên cứu vào tháng 12 năm 2021 từ Israel, cũng được công bố trên Tạp chí Y học New England, cho thấy hiệu quả của vắc-xin giảm sáu tháng sau liều Pfizer-BioNTech thứ hai, khiến khả năng miễn dịch của vắc-xin kém.

Tại sao mũi tăng cường lại quan trọng?

Một nghiên cứu được công bố cho cơ sở dữ liệu in sẵn medRxiv cho thấy rằng, phác đồ vắc-xin mRNA hai liều không cung cấp khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron. Nhưng hiệu quả của vắc-xin đã tăng lên 37% một tuần sau khi tiêm mũi tăng cường mRNA.

Mũi tăng cường làm tăng phản ứng miễn dịch bằng cách giúp các kháng thể xác định tốt hơn nhiều phần của SARS-CoV-2. Nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Cell cho thấy, mũi vắc xin mRNA tăng cường sẽ kích thích sản xuất các kháng thể phản ứng chéo, hoặc các kháng thể liên kết tốt với cả Omicron và các chủng virus trước đó. Cho dù bạn đã sử dụng loại vắc xin nào, điều quan trọng là phải tiêm nhắc lại khi đủ điều kiện.

Một chuyên gia Mỹ cho biết: “Những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin vẫn có rất nhiều nguy cơ nhiễm biến thể Omicron, nhưng có thể không bị nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người đã nhận được tiêm mũi tăng cường, dường như vắc xin cung cấp sự bảo vệ hiệu quả chống lại biến thể Omicron và chắc chắn chống lại nhiễm bệnh nặng hơn."

Kể từ ngày 11/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến cáo rằng, trong hầu hết các trường hợp, người lớn nên tiêm nhắc lại ít nhất 5 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.

Chuyên gia Mỹ nói: “Việc tiêm vắc xin tăng cường là hoàn toàn cần thiết để đạt được sự bảo vệ tốt nhất có thể.”

Theo Live Science