Nét cổ kính của ngôi đền gần 600 năm tuổi ở Hà Tĩnh

TPO - Đền thờ Nghĩa sĩ Đại vương Nguyễn Biểu được lập từ gần 600 năm trước. Dù đã trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được những giá trị riêng, tạo nên nét cổ kính, độc đáo.

Đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu toạ lạc tại thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ngôi đền được lập từ năm 1428, đã được tu sửa nhiều lần.

Đền được xây dựng theo lối kiến trúc thời Nguyễn, gồm ba tòa Thượng - Trung - Hạ điện. Dù đã được nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những giá trị riêng tạo nên nét cổ kính, độc đáo.

Trước đền là hồ bán nguyệt trồng hoa súng...

Hai cột hoa biểu đặt trước đền, ghi dòng câu đối chữ Hán.

Mộ của Nghĩa vương Nguyễn Biểu được xây dựng khang trang, kiến trúc hài hòa.

Bên trong đền, 3 tòa Thượng – Trung – Hạ các cột, phần gác mái được làm từ gỗ lim, mít.

Các đường nét được nghệ nhân điêu khắc hoa văn hình rồng biểu tượng cho sự uy quyền, sức mạnh.

Ngay ở gian chính điện, bức hoành phi ghi “Nghĩa Vương miếu” và đôi câu đối chữ Nôm: “Khí phách hiên ngang, vạn kiếp giặc Minh còn khiếp đảm - Danh nhân tuấn kiệt, muôn phương dân Việt mãi tôn thờ”.

Phần mái, hoạ tiết khắc họa trên vân gỗ tạo nên nét cổ kính, linh thiêng của ngôi đền.

Tại đền vẫn lưu giữ chiếc chuông đồng cổ với đường nét hoa văn tinh tế.

Đền thờ Nguyễn Biểu là một biểu tượng của tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất, được người dân vô cùng kính ngưỡng. Đây cũng trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng.

Nguyễn Biểu đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần, phò vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh, giữ chức Điện tiền thị Ngự sử. Tính ông cương trực, gặp việc không ngại can gián. Ông bị tướng nhà Minh là Trương Phụ sát hại một cách hèn hạ khi đại diện Vua Hậu Trần đi sứ sang trại giặc. Sau khi chiến thắng quân Minh, nhà vua đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên (hiện nay tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ) phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận đại vương - tức Nghĩa sỹ Đại Vương. Đến cuối thế kỷ 18 đền bị cháy, sau cơn binh lửa vua Gia Long lại có sắc phong. Năm 1869, nhân dân trùng tu lại đền. Năm 1991, đền Nguyễn Biểu đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.