Nén nhang cho bố già Sơn Nam (1926 - 2008)

TP - Đối với tôi, hai chữ BỐ GIÀ dành cho nhà văn Sơn Nam không cần đóng khung trong ngoặc kép. Thuở ông còn sinh tiền, mỗi lần hai chú cháu đi chơi riêng hoặc cùng chơi trong đám đông tôi vẫn luôn luôn gọi nhà văn Sơn Nam là “bố” một cách trìu mến.

>> Vài kỷ niệm với Sơn Nam
>> Vĩnh biệt "ông già Nam bộ" Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam

Còn xét về mặt chuyên môn trong làng văn và trưởng thượng trong làng đời thì tôi hằng kính trọng ông như một… bố già.

Buổi trưa ngày 13 thứ Tư năm 2008, đang ngồi cụng ly với Cung Tích Biền, Nguyễn Đạt, Đoàn Thạch Biền, Phạm Viêm Phương, Nguyễn Tôn Nhan… nhằm ăn mừng vụ bán bức tranh của Lê Thị Kim thì bất ngờ chúng tôi nhận được hung tin “bố già” đã mất.

Cho dù tất cả gần như được chuẩn bị về cái chết được báo trước của bậc tiền bối hôn mê nằm liệt giường, nhưng cái tin sét đánh ấy đã làm ai nấy bàng hoàng.

Bàn tiệc đang vui bỗng như đưa đám. Trong đầu tôi hình dung “con khủng long cuối cùng còn sót lại của miệt vườn Nam Bộ” một con khủng long oằn vai chở nặng chữ nghĩa của ruộng đồng bát ngát như một bộ tự điển bách khoa biết đi.

Đúng vậy, Sơn Nam là một pho tự điển bách khoa sống động mà mỗi bước chân của con người đi bộ quanh năm ấy, đi đến đâu là gieo và gặt vô số mùa màng dụ ngôn dân gian đưa vào tác phẩm của mình…

Khi về đến nhà, điện thoại di động của tôi nhận được liên tiếp 10 tin nhắn, mọi tin nhắn đều thông báo cho tôi về cái chết của Sơn Nam. Họ báo cho tôi như báo với một người thân trong gia đình bố già, trong đó có tin nhắn của Tư Thuyết.

Tư Thuyết chính là người đem tôi đến với Sơn Nam đầu tiên ngay từ năm 1975, khi đó anh là một cán bộ Thành Đoàn từ trong rừng ra, làm báo Giải Phóng và là con trai của một người bạn cố tri từng hoạt động chung với Sơn Nam những năm kháng Pháp.

Kể từ đó tôi và “bố” gắn bó với nhau một cách kỳ lạ như một đồ thị parabol chịu đựng đủ mọi thăng trầm. Những năm đầu giải phóng khi còn công tác ở báo Tuổi Trẻ tôi thường đăng thơ trong mục Mái Nhà Thơ của báo Tin Sáng do nhà thơ Kiên Giang phụ trách.

Lần nào lên lãnh nhuận bút tôi cũng gặp bố Sơn Nam, chú Kiên Giang và hai già một trẻ thường đàm đạo với nhau tương đắc. Dân Nam Bộ chơi với nhau không cần dè dặt đúng với câu “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giã - Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng”.

Lúc chú Kiên Giang đề nghị tôi khôi phục truyền thống Kịch Thơ đã bị mất tích từ thời tiền chiến thì bố Sơn Nam ủng hộ hết mình.

Niềm tin tưởng của hai vị tiền bối khiến tôi trả giá bằng suốt một năm xâm nhập hai trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới Xuyên Mộc và Vĩnh An nhằm tìm kiếm ý tưởng về vở Kịch Thơ THÀNH TABERD từ những nhân vật và sự kiện có thật.

Để ra đời được THÀNH TABERD hai vị tiền bối đã nuôi cơm tôi bằng lon “guigô” hơn nửa tháng trời tại chùa Phụng Sơn Tự tức chùa Gò tọa lạc trên đường 3 Tháng 2 (đường Trần Quốc Toản cũ). Tại chùa Gò, ngoài chú Kiên Giang đưa đón, thỉnh thoảng bố già Sơn Nam lại đến thăm tôi động viên ủy lạo tinh thần.

Và chưa hết, khi bản thảo THÀNH TABERD hoàn thành bằng… bút chì (vì chú Kiên Giang quá nghèo không có bút nguyên tử) hai tiền bối lại đưa tôi đến gõ cửa Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Dương Đình Thảo để chú  Sáu Thảo hỗ trợ phần đánh máy cho vở kịch lịch sự hơn.

Sở dĩ tôi phải dông dài một chút trong “chuyện nhỏ” này vì đó là phần tốt đẹp nhất của con người mà ít ai biết về bố Sơn Nam trong trách nhiệm lo cho một thằng cháu hoàn toàn là người dưng nước lã.

Đối với tôi đó là bài học vỡ lòng nhân quả như truyện ngắn TÌNH NGHĨA GIÁO KHOA THƯ, nhân quả như “một tấm lòng” của CON BẢY ĐƯA ĐÒ hành nghề bán cháo lòng đưa tráng sĩ qua sông từ các truyện ngắn lừng danh của bố.

Bố Sơn Nam ơi, hai chú cháu mình đã gắn bó suốt 10 năm, suốt thập niên 1985-1995 từ thời nhiều vị Mạnh Thường Quân giúp đỡ chúng ta còn sống. Trên chiếc xe đạp cọc cạch và sau này trên chiếc xe gắn máy thổ tả, tôi đã chở bố già đi gõ cửa tìm kiếm niềm vui hoặc hứng chịu nỗi buồn thê thảm từ những cái lắc đầu.

Nhớ những lần đến nhà ông Võ Văn Kiệt, tôi thấy mắt bố già Sơn Nam sáng lên khi khoe tôi một cái bì thư dẹp lép hoặc năm món “căm đùm sên dĩa lốp” phụ tùng xe đạp mới toanh có thể đi bán chợ trời kiếm tiền nhậu lai rai.

Rồi những lần ghé báo Công An thăm Huỳnh Bá Thành, lúc trở ra hai chú cháu nhìn nhau vừa hạnh phúc vừa ngậm ngùi trước chút lòng hào kiệt đối với kẻ sĩ mạt lộ.

Bố già ơi, đất nước chúng ta nghèo quá, ai giàu đâu chẳng biết nhưng chỉ thấy muôn đời kẻ sĩ có lòng tự trọng lại quá nghèo. Đại bi kịch là một kẻ sĩ đóng góp quá nhiều tác phẩm lẫn công sức cho đời như bố mà đến chết trên báo vẫn còn kêu gọi lòng từ thiện giúp đỡ của nhân dân để chữa bệnh.

Trong vòng 10 năm vừa kể, một phần đời giang hồ của tôi gắn liền với nhà văn Sơn Nam. Mỗi ngày sáng sớm đón bố già lên đường, tối khuya lại chở bố về đến nơi đến chốn tại căn nhà trong ngõ hẻm ngó xéo qua Lăng Ông Lê Văn Duyệt.

Nhắc đến Lăng Ông và những di tích đình miếu khác, không thể không kể đến công trạng của bố già trong việc khôi phục và trùng tu truyền thống đạo lý cổ truyền. Tôi chỉ tạm thời chia tay việc chuyên chở bố già kể từ lúc sanh con trai đầu lòng. Nỗi lo cơm áo làm hai chú cháu ít còn dịp gần nhau.

Bố Sơn Nam ơi, trong đời bố chỉ làm một bài thơ in trên sách nhưng đó lại là bài thơ bất tử. Bất tử bởi khẩu khí giang hồ mang mùi vị Lương Sơn Bạc của người đi mở đất. 

Trong phạm vi bài viết này, tôi chép lại bài thơ của bố như một nén nhang ngưỡng mộ hương hồn bậc dị sĩ kỳ nhân:

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Vài câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giã
Từ Cà Mau, Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.…  
BCV 

 7 giờ tối, 13/8/2008