Nâng tổng mức hỗ trợ người bị mất việc làm do COVID-19

TPO - Đề cập đến gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng, mà tập trung vào những trường hợp bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu.

Chiều 1/4, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công việc quan trọng quý II/2020 là phải lo cho an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như lao động bị mất việc, người nghèo… Bên cạnh đó, cần quan tâm bảo đảm an ninh trật tự cho người dân.

Đối với gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.

Nêu nguyên tắc, Thủ tướng lưu ý hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. “Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ

Về giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ, Việt Nam cũng đã thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị 11, song Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ này không chỉ 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.

Đối với gói kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công, theo Thủ tướng, không chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

Thủ tướng cũng lưu ý các gói hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp.