>> Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đối thoại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chào mừng hội nghị. Tham dự hội nghị có bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (Brunei cử Thứ trưởng Quốc phòng tham dự, Myanmar cử Đại sứ tham dự) và 8 nước đối tác, đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Nga, Mỹ cùng Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.
Tại hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: ADMM+ đánh dấu sự trưởng thành của ASEAN trên bình diện hợp tác quốc phòng - an ninh nội khối và khu vực.
Với cơ cấu 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại chủ chốt, ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng mang ý nghĩa chiến lược. Đây là một trong những diễn đàn đối thoại, tham vấn chiến lược nhằm xây dựng một nhận thức chung về an ninh khu vực, xây dựng lòng tin, xác định các lĩnh vực hợp tác thiết thực về quốc phòng.
ADMM+ là cơ chế hợp tác ở cấp cao nhất (cấp bộ trưởng) về quốc phòng của khu vực, có khả năng định hướng và chỉ đạo các chương trình hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết có hiệu quả các thách thức an ninh chung, nhất là an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay. Đây cũng là sân chơi bình đẳng và có lợi cho tất cả các bên tham gia, đồng thời có vai trò hài hòa hóa quan hệ, xây dựng năng lực, tăng cường quan hệ và tương quan giữa quân đội các nước.
Các đại biểu trao đổi quan điểm, tự nguyện thông báo về các vấn đề quốc phòng - an ninh, thảo luận về tài liệu "Tiềm năng, triển vọng và phương hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM mở rộng" nhằm chia sẻ các mối quan tâm, ý tưởng, sáng kiến thúc đẩy hợp tác thiết thực cũng như đề ra những định hướng cho hợp tác thực chất các năm tiếp theo.
Theo đó, các nước ASEAN xác định 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, các hoạt động gìn giữ hòa bình. Kết thúc hội nghị, các trưởng đoàn ký tuyên bố chung của ADMM+ lần thứ nhất.
Thông báo của Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất nêu rõ: "Hợp tác quốc phòng, quân sự giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đã được triển khai với các hình thức thiết thực, cụ thể, phù hợp với nhu cầu chung của khu vực cũng như điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia thành viên. Hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng tăng cường khả năng và hiệu quả hợp tác. Hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt có bước phát triển mới với việc hiện thực hoá tiến trình ADMM+.
Những phát triển này đã góp phần đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh khu vực, vì hoà bình, ổn định và phát triển, đồng thời đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung".
Trao đổi với các phóng viên bên lề hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, vấn đề an ninh trên biển Đông được một số bộ trưởng quan tâm, dù không có trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, các bên nhất trí giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và đối thoại trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
“Hội nghị là một bước phát triển mới, quan trọng trong hợp tác quốc phòng của ASEAN và cũng là một trong những sự kiện quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam.
Là một bộ phận quan trọng của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, với vai trò là kênh đối thoại chiến lược cấp Bộ trưởng và là cơ chế thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa quân đội các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực cũng như cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Sự hình thành Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng đã khẳng định tính chất mở của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng như các cơ chế và diễn đàn khu vực khác do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.
Đây là diễn đàn để thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng - an ninh giữa ASEAN và các nước đối tác, phản ánh chủ trương nhất quán của ASEAN là luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan trọng ngoài khu vực tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý những thách thức chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực”.