GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đang trao đổi mở một chuyên ngành đào tạo thạc sĩ về thiết kế vi mạch với một hãng điện tử toàn cầu, dự định tuyển sinh vào năm 2024.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM chính thức tuyển sinh 2 mã ngành mới về thiết kế vi mạch và vi mạch bán dẫn trong năm học 2024-2025. Cụ thể, 2 mã ngành mới này gồm: thiết kế vi mạch sẽ được đào tạo ở bậc đại học và vi mạch bán dẫn đào tạo sau đại học.
Thời gian gần đây, ngành thiết kế chíp vi mạch bán dẫn đang nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lí và các trường đại học. Theo tính toán, Việt Nam thiếu khoảng 50.000 nhân lực ở lĩnh vực này đến năm 2030.
GS. TS Chử Đức Trình chia sẻ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, có câu hỏi làm thế nào để phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam.
Khi đó, cũng phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi như công nghệ ở đâu, vốn ở đâu, nguồn nhân lực thế nào, chuỗi thương mại ra sao, v.v.
Sau 20 năm, hiện nay, lại đang nói về ngành điện tử ở Việt Nam với tư cách là ngành sản xuất có vị trí chủ chốt trong nền kinh tế.
Năm 2022, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, ngành này chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam xếp hạng thứ 12 trên Thế giới và thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu điện tử.
Chỉ mới đây, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Hoa Kỳ và Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ 4 trên Thế giới sau Trung Quốc, Đài Loan và Đức.
Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều công ty điện tử đủ lớn tầm vóc quốc tế.
"Chúng ta chưa thực sự tận dụng được cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp điện từ thời gian qua. Do đó, theo tôi, Việt Nam chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phát triển các ngành công nghiệp trong nước; cần vươn lên từ chính những sức mạnh nội lực, công nghệ và đặc biệt là con người Việt Nam thì mới có thể làm chủ được một nền công nghiệp phát triển bền vững, là mắt xích quan trọng trên thế giới", ông Trình nói.
Theo ông Trình, Việt Nam có cơ hội thành công cao trong phát triển ngành bán dẫn do các yếu tố sau: có vị trí địa lý thuận lợi. Có vị thế và ổn định chính trị tốt; có nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt; có nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, có tay nghề cao, tận tâm, chăm chỉ và sáng tạo với hơn 70 trường đại học công nghệ và STEM trên toàn quốc, trong đó có một số trường có thứ hạng tốt trên thế giới.
Đặc biệt, lần này Việt Nam có được sự đồng hành, ủng hộ của nhiều quốc gia, của nhiều doanh nghiệp lớn trên Thế giới, thể hiện qua các chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Singapore, và Thủ tướng Hà Lan.
Đứng ở cương vị một đơn vị đào tạo nhân lực, ông Trình mong muốn trong thời gian tới được hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác nhau trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh về đội ngũ giảng viên, sinh viên chất lượng cao của nhà trường. Rất mong có tòa nhà dành riêng cho các doanh nghiệp và do doanh nghiệp đầu tư.
Vì chỉ có sự đồng hành với các doanh nghiệp và nhà trường thông qua các mô hình hợp tác nghiên cứu và phát triển, thông qua mô hình các tòa nhà công nghiệp trong các trường đại học, thì mới có thể vươn lên thành các trường đại học có đẳng cấp quốc tế, vươn lên thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ có như thế Việt Nam mới vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.