Mỹ và chiến tranh thủy lôi ở Biển Đông
> Mỹ tác chiến không-hải ở Biển Đông như thế nào?
> Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II)
TPO-Những khu vực cảng quan trọng như cảng Hải Phòng, Vinh hoặc Thanh Hóa, mật độ thủy lôi tăng cường đến 150 thủy lôi trên một hải lý. Số lượng thủy lôi đã sử dụng lên đến 11.000 quả...
Nhằm ngăn chặn các chuyến hàng viện trợ của các nước XHCN cho Việt Nam, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch lớn nhằm phong tỏa vịnh Bắc Bộ, nhằm khả năng ngăn chặn các nguồn cung cấp vũ khí trang bị, cơ sở vất chất và binh lực từ Miền Bắc vào chi viện cho Miền Nam, làm suy giảm sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Miền Nam Việt Nam, ngày 9.5.1972, hạm đội 7 Mỹ tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm phong tỏa Vịnh Bắc Bộ bằng thủy lôi.
Theo kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, lực lượng KQHQ của ACTF-77 Mỹ (Cụm không quân hải quân công kích chủ lực số 77) đã tiến hành thả thủy lôi phong tỏa các cảng miền Bắc như Cẩm Phả, Hòn Gai, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa. Thông qua các hải cảng này Việt Nam tiếp nhận những chuyến hàng từ các nước anh em. KQHQ Mỹ cũng tiến hành phong tỏa các đường vận tải trên sông. Nhằm mục đích gây tổn thất lớn cho Việt Nam, đồng thời che giấu, ngụy trang việc phong tỏa bằng thủy lôi, KQHQ Mỹ triển khai các đợt đánh phá mạnh vào các hải cảng, các chiến hạm của ACTF-77 tiến hành pháo kích các mục tiêu ven bờ.
Rải thủy lôi được giao cho các máy bay cường kích hải quân A-6 "Intruder" và A-7 "Corsair", máy bay tiêm kích hộ tống là F-4 "Phantom". Các máy bay cường kích tiếp nhận thủy lôi từ các tàu sân bay "Kitty Hawk", "Coral Sea" và "Constellation" cơ động ở khoảng cách từ 80-100 dặm so với khu vực thả thủy lôi (trong khu vực tác chiến "Yankee"). Các máy bay Mỹ tiến hành rải thủy lôi theo bình diện ngang khu vực cửa cảng, đồng thời cũng tiến hành dải dọc theo luồng lạch các dòng sông dẫn vào cảng, thời điểm giải thủy lôi là thời điểm thủy triều xuống thấp nhất. Khi tiến hành rải thủy lôi, các máy bay cường kích hải quân bay với độ cao so với mặt nước biển là 150 – 300 m, tốc độ là 550 - 650 km/h. Mỗi máy bay mang theo trên cánh từ 2 đến 6 thủy lôi đáy sông, biển loại Mk 36, Mk 50, Mk 52 hoặc Mk 53, được phóng, rải theo kế hoạch đã định sẵn, các quả thủy lôi rơi trên cạn hoặc ở độ sâu nhỏ hơn 3 m sẽ tự kích nổ.
Máy bay A 6 "Intruder" trên Vịnh Bắc Bộ.
Trên các tuyến đường sông, nơi mà mực nước không sâu quá 15 m, Mỹ sử dụng các loại thủy lôi – bom chờ nổ mới, đó là các loại bom thủy lôi ("Distractor") là loại bom thông thường Mk 81 hoặc Mk 82, được lắp đặt thêm một đầu nổ cảm ứng từ trường, âm thanh loại nhỏ.
Bom Mk 81 lắp đầu nổ cảm ứng loại nhỏ.
Mật độ rải thủy lôi trung bình của KQHQ Mỹ trên bình diện mặt nước trước cảng là 70 — 80 thủy lôi trên một hải lý. Những khu vực cảng quan trọng như cảng Hải Phòng, Vinh hoặc Thanh Hóa, mật độ thủy lôi tăng cường đến 150 thủy lôi trên một hải lý. Số lượng thủy lôi đã sử dụng lên đến 11.000 quả. KQHQ Mỹ đã có một trận địa thủy lôi lớn nhất trong lịch sử phong tỏa các hải cảng nhưng không có hiệu quả. Lực lượng hải quân Việt Nam đã phong tỏa các khu vực nguy hiểm đối với các tàu lớn và tàu vận tải hạng nặng.
Tàu vận tải các nước XHCN đã thả neo ngoài khu vực rải thủy lôi, hàng hóa được vận chuyển vào bờ bằng các tàu thuyền có lượng giãn nước nhỏ, không có từ tính. Có khoảng 30 chiếc tàu xuồng loại nhỏ bị va chạm với thủy lôi và bị nổ. Nhưng tổn thất không đáng kể mà chính khu trục hạm Mỹ "Warrington" khi cơ động dọc bờ biển Việt Nam đã bị trúng hai quả thủy lôi Mk 36 và bị hỏng hoàn toàn.
Thủy lôi Mk 36.
Chiến dịch phong tỏa bờ biển Miền Bắc Việt Nam của KQHQ Mỹ là chiến dịch sử dụng thủy lôi đường biển lớn nhất, có hiệu quả chiến đấu thấp nhất nhưng đã mang lại cho hải quân Việt Nam, đặc biệt là lực lượng rà phá bom mìn thủy lôi những kinh nghiệm vô cùng quý báu trong tác chiến rà phá thủy lôi và chống phong tỏa đường biển. Kinh nghiệm các hoạt động tác chiến ngăn chặn thủy lôi đường sông, biển cho thấy KQHQ trong một thời gian rất ngắn có thể thực hiện được một chiến dịch phong tỏa đường biển quy mô rất lớn.
Để giữ được yếu tố bất ngờ, người Mỹ đã lợi dụng màn đêm và hạn chế tầm nhìn để rải thủy lôi, các hoạt động rải thủy lôi đi kèm với các đợt ném bom ồ ạt trên các khu vực liên quan nhằm hạn chế khả năng phát hiện và tính toán được số lượng thủy lôi đã triển khai trên các tuyến giao thông đường thủy. Nhưng điểm yếu của phương pháp rải thủy lôi bằng máy bay là không có được độ chính xác cao, khi rải do thủy lôi bay tản mát, điều đó dẫn đến một yêu cầu quan trọng khi chế tạo các thủy lôi ngăn chặn và phong tỏa. Đó là giá thành của thủy lôi phải rất thấp để có thể sản xuất số lượng lớn và phong tỏa trên một diện tích rộng.
Lực lượng Hải quân Việt Nam thời điểm đó không có tàu quét thủy lôi và lưới quét phi tiếp xúc, các chiến sĩ rà phá thủy lôi đã sử dụng các phương tiện thô sơ để rà quét. Để quét thủy lôi dưới mặt nước, các chiến sĩ đã sử dụng các thuyền dân dụng có mái chèo, kéo theo các lưới đánh cá và lưới vét đáy nhằm lôi kéo thủy lôi lên khỏi đáy sông, biển. Để phá thủy lôi, đối với các đầu nổ cảm ứng, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam giai đoạn ban đầu là chế tạo ra các khung từ trường kéo theo, sau đó là các xuồng máy phóng từ trường hoặc các khung sắt từ kéo theo các xuồng máy tốc độ cao, cao hơn nữa, các chiến sĩ hải quân và kỹ sư công binh hải quân đã chế tạo xuồng tự hành không người lái cao tốc rà phá bom, thủy lôi đầu nổ từ trường âm thanh. Bằng những biện pháp này, lực lượng công binh hải quân đã phá hàng chục nghìn quả thủy lôi, bom từ trường và các loại thủy lôi hiện đại khác của KQHQ Mỹ rải trên các luồng lạch của các cảng Việt Nam.
Sau khi hiệp định Pari được ký kết vào tháng 1.1973, chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ vào chiến trường Việt Nam, lực lượng hải quân hạm đội 7 bắt buộc phải tiến hành các hoạt động rà phá thủy lôi và bom từ trường, triệt tiêu hoàn toàn hệ thống phong tỏa đường biển trên Vịnh Bắc Bộ. Để thực hiện nhiệm vụ đó, hạm đội 7 thành lập cụm hải quân số 78 (biên chế 25 tàu các loại) trong đó có hai tàu sân bay trực thăng, ba tàu có sàn đỗ máy bay trực thăng, 7 tàu quét mìn, 1 tàu chở dầu, 2 tàu cứu hộ, 7 tàu tuần tiễu và 48 máy bay trực thăng quét thủy lôi CH-53D ("SeaStaley").
Các tàu công tác được chia thành năm nhóm chiến thuật. Kỳ hạm chỉ huy đội tàu quét mìn do chuẩn đô đốc McCauley chỉ huy là tàu tấn công đổ bộ trực thăng "New Orleans", trên tàu có 14 sĩ quan chỉ huy cao cấp khác. Hoạt động quét mìn của hạm đội 7 được đặt một cái tên khá hài hước là “Nhát quét cuối cùng”. Chiến dịch được chia ra thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 tính từ 01.11.1972, hạm đội 7 tiến hành biên chế tổ chức cụm hải quân ra quét thủy lôi số 78 trong khu vực vùng Vịnh Subic (Philippines) thuộc Philiphine để huấn luyện và thực hành các hoạt động rà quét thủy lôi. Sau Hiệp định Pari được ký kết, các nhóm sĩ quan Mỹ đã đến Hà Nội và đến cảng Hải Phòng để điều nghiên thực tế.
Giai đoạn 2 bắt đầu ngay sau khi Hiệp định Pari ký kết vào đầu năm 1973. Các tàu quét thủy lôi của Mỹ chuẩn bị khu vực neo đậu trên Vịnh Bắc bộ, các tàu quét mìn "Engage" "Impervios" "Fortifayn" và "Fors" đã rà quét một khu vực rộng lớn ở phía Đông Nam cách cảng Hải Phòng 35 hải lý. Các tàu quét thủy lôi được yểm trợ bởi khu trục hạm "Epperson" và hộ tống hạm "Warden." Trong giai đoạn triển khai các hoạt động kiểm soát khu vực neo đậu có thêm 3 tàu quét mìn từ quần đảo Hawai tiến vào khu vực biển Việt Nam, tại vùng vịnh Subic tiếp tục huấn luyện quét thủy lôi cho các kíp lái SH – 53D từ biên chế của không đoàn 462 và 463. Sau một thời gian, hai không đoàn máy bay trực thăng đổ bộ số 164 và 166 cũng đến vùng vịnh Subic để huấn luyện. Trên bờ biển đã triển khai các đài radar định vị không gian biển hệ thống "Reydist".
Giai đoạn 3 là giai đoạn hoạt động chính thức của lực lượng rà quét thủy lôi trên biển. Bắt đầu từ 26.2.1973. Theo ý đồ chiến thuật ban đầu, nhiệm vụ rà phá thủy lôi được giao chủ yếu cho các máy bay trực thăng – quét mìn, đây cũng là phương pháp quét mìn hiện đại lần đầu tiên được áp dụng, các chiến hạm có nhiệm vụ đảm bảo cho các máy bay trực thăng hoạt động hiệu quả. Các lưới quét mình sử dụng là Mk 104, Mk 105, Mk 106.
Trực thăng quét thủy lôi trên Vịnh Hạ Long.
Thiết bị quét thủy lôi hiện đại nhất là Mk 105. Đó là một thiết bị dạng thủy động học mảng rộng (tương tự như chiếc bè, có cánh ngầm và động cơ điện turbin cánh quạt của hãng "Garrett". Kết nối với thiết bị là hai dây cáp nổi, dòng điện được cung cấp cho cáp quét thủy lôi từ động cơ phát điện turbin khí. Từ bàn điều khiển của phi công trực thăng có thể tạo ra từ trường của rất nhiều các loại tàu thuyền. Xung điện từ tạo ra trên dây cáp kích nổ các loại thủy lôi, bom được trang bị đầu nổ từ trường xuồng quét thủy lôi Mk 105 có trọng lượng khoảng 3 tấn và có thể được chở trên các tàu sân bay của máy bay trực thăng đổ bộ. Xuồng quét dài khoảng 8,23 m, khi hoạt động tàu được nhấc lên trên mặt nước nhờ cánh ngầm và có độ cao 3.66m, khoảng cách giữa hai cánh ngầm là 4 m.
Mệnh lệnh điều khiển xuồng quét thủy lôi được truyền từ máy bay xuống xuồng theo đường cáp kéo nhiều lõi, phía trong có một đường ống dẫn dầu mềm đường kính 50 mm. Trong hai bình nằm trong xuống rà phá thủy lôi có chứa 408 lít dầu, cho phép động cơ tua bin khí có thể hoạt động liên tục trong vòng 4 giờ. Ngoài ra, dầu có thể cung cấp từ bồn chứa dự trữ, nằm phía sau máy bay kéo xuồng theo đường ống dẫn dầu. Nếu máy bay trực thăng hết lượng dầu sử dụng, cáp - ống dẫn dầu nhiều lõi đó có thể chuyển cho máy bay trực thăng khác và quá trình quét ngư lôi vẫn tiếp tục.
Chuẩn bị cho xuồng quét thủy lôi Mk 105 để đưa vào khai thác sử dụng trong khoang ghép của tàu sân bay trực thăng. Thời gian để lắp cáp và chuẩn bị nhiêu liệu cũng như đưa xuồng xuống biển qua giếng chìm mất khoảng 30 phút. Sau đó máy bay trực thăng trên độ cao từ 30 – 50 m với vận tốc từ 8 – 10 knots sẽ kéo xuồng vào khu vực quét mìn. Đồng thời với việc đưa các thiết bị vào quét thủy lôi, máy bay trực thăng cứu hộ cũng được đưa vào trạng thái sẵn sàng công tác. Quét thủy lôi được thực hiện bằng 1 máy bay trực thăng. Chiều rộng hành lang quét thủy lôi khoảng từ 150 —180 m. Tọa độ quét, hành lang quét cũng như các thông số khác được thực hiện theo định vị và hướng dẫn của radar ven bờ RNS "Reydis". Sau từ 2 – 3 giờ quét mìn, máy bay trực thăng bay quay trở lại tàu sân bay đổ bộ trực thăng và hạ cánh, sau đó các tời kéo sẽ kéo xuồng quét thủy lôi trở vào thân tàu.
Rà phá bom thủy lôi kích nổ thủy âm, người Mỹ sử dụng thiết bị rà phá hạng nhẹ Mk 104. Đây là thiết bị quét thủy lôi, được thiết kế theo dạng hình ống Venguri, trong ống có đặt đĩa quay có đường kính 0,91 m và nặng khoảng 15 kg. Thiết bị được bố trí trực tiếp trên máy bay trực thăng quét thủy lôi. Khi tiếp cận khu vực quét mìn, máy bay trực thăng sẽ thả thiết bị quét xuống biển nhờ tời dây cáp, cáp kéo được thả ra đến độ dài cần thiết và buộc gắn vào thanh kéo, được gắn trên máy bay trực thăng. Khi máy bay tiếp cận khu vực rà quét thủy lôi, trên thanh gá máy bay sẽ nhả tời đến độ sâu cần thiết thả thiết bị quét, được gắn trên thân máy bay.
Để kéo theo máy bay trực thăng thiết bị quét thủy lôi thủy âm, người Mỹ dùng cáp sợi lynon tổng hợp có đường kính 15 mm. Khi hai thiết bị - xuồng quét từ trường Mk 105 kết hợp với thiết bị quét thủy âm Mk 104, sẽ được một xuồng quét thủy lôi tổng hợp từ trường âm thanh Mk 106. Các loại thủy lôi neo được rà quét bằng thiết bị rà quét thủy lôi Mk 103. Khi phát hiện ra thủy lôi neo chạm nổ, máy bay trực thăng sẽ sử dụng súng tự động gắn trên trực thăng bắn phá nổ. Hàng ngày để quét thủy lôi, các máy bay trực thăng tiến hành từ 16 — 17 chuyến bay rà quét.
Trong suốt quá trình rà quét thủy lôi trên Vịnh Bắc Bộ với diện tích lên đến 27 nghìn km 2. Người Mỹ đã mất 3 máy bay trực thăng quét mìn. Để tiêu hủy các loại đầu nổ thủy lôi bị kích nổ bằng áp lực nước, người Mỹ sử dụng các sà lan có chiều dài đến 100m, sà lan được kéo bằng các xuồng có lượng gãn nước nhỏ. Khoảng cách cáp kéo sà lan dài đến 200 m. Ngoài ra Mỹ còn dùng thiết bị rà quét МОР dùng để quét mìn trong những khu vực nước nông và và quét bề mặt trên diện rộng. Đến ngày 19.6.1973, chiến dịch rà quét thủy lôi của Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam mới kết thúc. Nhưng chính người Mỹ cũng không khẳng định được là đã rà quét hết thủy lôi trên vịnh Bắc Bộ.
Nhiệm vụ quét sạch thủy lôi trên Vịnh Bắc bộ trên thực tế đã do lực lượng Công binh Hải quân Việt Nam tiến hành bằng kinh nghiệm và các trang thiết bị tự chế. Trong thời gian từ sau năm 1972 đến nay, công binh Hải quân đã rà phá hàng chục nghìn bom từ trường và các loại thủy lôi khác. Người Mỹ trong chiến dịch này, dù hiệu quả thấp nhưng đã có được kinh nghiệm xây dựng một lực lượng rà phá thủy lôi tiên tiến và tiếp tục phát triển công nghệ rà phá thủy lôi bằng máy bay trực thăng chiến đấu với nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại hơn. Từ những kinh nghiệm thực tiễn của rà phá bom mìn cả hai bên trong chiến tranh, lực lượng công binh Hải quân Việt Nam từng bước trưởng thành và có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ trong những điều kiện chiến tranh công nghệ cao.
Trịnh Thái Bằng
Nguồn: Tư liệu nghiên cứu Bộ quốc phòng Liên Xô