Đây là lần đầu tiên Mỹ áp lệnh cấm vận kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc vào cuối tháng 2 mà không có thoả thuận.
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra danh sách cập nhật trong đó liệt kê 67 con tàu bị cáo buộc đã lén lút chuyển xăng dầu cho các tàu Triều Tiên hoặc chở than từ Triều Tiên.
Các công ty Trung Quốc mới bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận là Công ty vận tải biển quốc tế Haibo Đại Liên và Công ty chuyển tiếp quốc tế Danxing Liêu Ninh. Mỹ cho rằng 2 công ty này đã giúp Triều Tiên vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và quốc tế.
Lệnh trừng phạt sẽ cấm mọi giao dịch của Mỹ với những công ty này và đóng băng tất cả tài sản của họ có tại Mỹ.
Washington đưa ra thông báo này 3 tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được nhất trí vì hai bên không chịu nhượng bộ trước đòi hỏi của nhau.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn còn một số hoạt động với Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh hầu như đã tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết.
Quan chức này cảnh cáo các công ty/tổ chức tài chính và vận tải biển có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nếu bị phát hiện vi phạm cấm vận. Nhưng quan chức này cho rằng thông báo mới của Mỹ chỉ là duy trì thực hiện trừng phạt với Triều Tiên chứ không phải gia tăng sức ép với quốc gia này.
Từ chối khẳng định Washington đang nỗ lực gửi một thông điệp hậu thượng đỉnh đến Bình Nhưỡng, quan chức Mỹ nói rằng ông Trump “đã khẳng định rõ ràng là cánh cửa cho đàm phán với Triều Tiên luôn mở rộng”.
Tiến trình đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh từ ngày 27-28/2 tại Hà Nội, dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 4/3 rằng ông hy vọng trong vài tuần tới sẽ cử một nhóm đến Triều Tiên.
Còn Triều Tiên cảnh báo họ có thể dừng đàm phán và cân nhắc lại việc đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa kể từ năm 2017 trừ khi Washington nhượng bộ.
Nhiều cách che giấu
Theo Bộ Tài chính Mỹ, công ty Haibo Đại Liên đã trao đổi với công ty thương mại Paeksol, một công ty trước đó đã bị Mỹ trừng phạt.
Mỹ nói rằng tàu của Haibo Đại Liên đã chở hàng từ Đại Liên, Trung Quốc, đến Paeksol ở Nampo, Triều Tiên, vào đầu năm 2018 và chuyển sang cho một tàu mang cờ Triều Tiên.
Còn công ty Danxing Liêu Ninh bị cáo buộc đã dùng “nhiều cách đánh lừa” để giúp các quan chức Triều Tiên ở Liên minh châu Âu mua hàng.
Các thủ thuật che giấu mà công ty này sử dụng là vô hiệu hoá hoặc can thiệp vào hệ thống nhận dạng tự động, thay đổi vỏ tàu, chuyển hàng giữa các tàu và làm giả giấy tờ hàng hoá. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng tàu của công ty này chuyển hàng tại các cảng ở Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục, Nga và Hàn Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trong năm 2018, các cảng Triều Tiên tiếp nhận ít nhất 263 chuyến tàu chở xăng dầu tinh chế thông qua hoạt động chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác.
Cũng theo Bộ này, nếu các tàu đó chở đầy thùng chứa, Triều Tiên đã nhập khoảng 3,78 triệu thùng, hơn 7 lần rưỡi so với lượng 500.000 thùng mỗi năm mà nghị quyết của Liên Hợp quốc cho phép.